Sáng ngày 18/10/2023, tại phòng họp tầng 4, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông Quốc gia, phòng Nghiên cứu Phát triển Mô hình GDPT tổ chức sinh hoạt khoa học với ba chủ đề: Chương trình giáo dục phổ thông qua quá trình triển khai trong thực tiễn – Kinh nghiệm một số nước và bài học cho Việt Nam; Thực trạng xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường tiểu học năm học 2022-2023, góc nhìn từ cán bộ quản lý; và Thực trạng việc sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Mở đầu buổi sinh hoạt, ThS. Nguyễn Thị Thu thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày về “Thực trạng việc sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật” với một số đặc trưng của các PPDH và GD nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh và định hướng PPDH và GD môn Giáo dục kinh tế và pháp luật theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhóm nghiên cứu nhận thức của GV về PPDH, GD và việc sử dụng PPDH và GD để phát triển phẩm chất, năng lực cho HS; Tần xuất sử dụng, Mức độ hiệu quả các PPDH và GD trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật; Điều kiện đảm bảo để thực hiện các PPDH và GD nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học có hiệu quả. Từ đó đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng các PPDH và GD phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cấp THPT.
Tiếp theo là chủ đề “Chương trình giáo dục phổ thông qua quá trình triển khai trong thực tiễn – Kinh nghiệm một số nước và bài học cho Việt Nam” do nhóm nghiên cứu của Th.S Hồ Thị Thu Hương. Theo CT GDPT 2018, các bộ SGK được biên soạn theo những yêu cầu cần đạt nêu trong CT và từng bước triển khai dạy học trong thực tiễn theo lộ trình: 2020-2021 lớp 1; 2021- 2022 lớp 2 và lớp 6, 2022- 2023 lớp 3, lớp 7 và lớp 10, 2023-2024 lớp 4, lớp 8 và lớp 11; 2024-2025 lớp 5, lớp 9 và 12. Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 đã được triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển các kỹ năng cho học sinh Việt Nam. Để đánh giá chất lượng và hiệu quả dạy học theo CT-SGK mới, BC trình bày những kinh nghiệm quốc tế và những bài học từ việc triển khai CT của một số quốc gia như ÚC, Singapore, Malaysia và Anh. Từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc triển khai CT. Đó là: thực hiện nghiên cứu kỹ càng về đánh giá CT giảng dạy được ban hành; so sánh CT với một số nước khác để học hỏi kinh nghiệm; tổ chức tham vấn hội đồng thẩm định kỹ càng; khi xây dựng và thực hiện CT mới, nên coi trọng việc lấy ý kiến của dư luận xã hội, lấy phản hồi, sửa đổi trước khi ban hành CT mới
Chủ đề thứ ba của buổi sinh hoạt chuyên đề là “Thực trạng xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường tiểu học năm học 2022-2023, góc nhìn từ cán bộ quản lý” do ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo và nhóm nghiên cứu trình bày. Nghiên cứu đã đưa ra một số quan niệm về kế hoạch giáo dục nhà trường và mô tả khảo sát. Sau đó là thực trạng về xây dựng KHGDNT và thực trạng về triển khai KHGDNT. Để tìm hiểu về thực trạng Xây dựng KHGDNT cấp Tiểu học, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 3 nội dung: Các yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng và triển khai KHGDNT, Những nội dung môn học và HĐGD có trong KHGDNT, số tiết /tuần đối với các khối lớp , những môn học bắt buộc được dạy học tăng cường, dạy tự chọn , Thuận lợi khó khăn khi xây dựng. Kết quả khảo sát về nội dung KHGDNT tại các trường tiểu học, CBQL đều đưa ra một số nội dung không thể thiếu của KHGDNT là các môn học bắt buộc (98,2%), các hoạt động giáo dục khác (97,4%); ngoài ra nội dung KHGDNT gồm các môn học bắt buộc (94,3%), các hoạt động củng cố và bồi dưỡng (91,4%). Nhìn chung, việc xây dựng và triển khai KHGDNT luôn được CBQL quan tâm; việc xây dựng và triển khai KHGDNT đang được thực hiện khá thuận lợi. Tuy nhiên vấn đề vướng mắc nhất nằm ở cơ sở vật chất và giáo viên; và thực tế cho thấy, để hỗ trợ các nhà trường thực xây dựng và triển khai KHGDNT một cách hiệu quả hơn cần có những cơ chế, chính sách trọng tâm ưu tiên ở cấp tiểu học về văn bản hướng dẫn cụ thể, phân cấp quản lý…
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Mô hình GDPT đánh giá cao kết quả của các nghiên cứu. Các nội dung về Chương trình giáo dục phổ thông qua quá trình triển khai trong thực tiễn – Kinh nghiệm một số nước và bài học cho Việt Nam; Thực trạng xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường tiểu học năm học 2022-2023, góc nhìn từ cán bộ quản lý; và Thực trạng việc sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật rõ ràng đã mang tới những góc nhìn mới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Nghiên cứu Phát triển Mô hình GDPT