Ngày 15/11/2023, tại trụ sở 50 Liễu Giai – Ba Đình – Hà Nội, Trung tâm phát triển bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học thường niên năm 2023 với chủ đề “Một số vấn đề về phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông”. Đây là hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà giáo dục và giáo viên được trao đổi, chia sẻ những câu chuyện về giáo dục, về những vấn đề lí luận và thực tiễn triển khai và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời, có mặt của PGS.TS Lê Huy Hoàng – Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Phạm Xuân Quế – Chủ tịch Hội Giảng dạy Vật lí Việt Nam; PGS.TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội tâm lí và Giáo dục học Việt Nam; TS. Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT; GS.TS. Nguyễn Hữu Châu – Nguyên Viện trưởng Viện KHGDVN, các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục phổ thông trên toàn quốc; về phía Viện KHGDVN, có GS.TS. Lê Anh Vinh – Viện trưởng, Giám đốc trung tâm PTBVCL GDPT Quốc gia; PGS.TS. Mai Văn Trinh – Phó Viện trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện, và toàn thể các cán bộ, viên chức đã và đang công tác tại Trung tâm Phát triển bễn vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia (Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia).
Mở đầu Chương trình là Phiên 1 “Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” do TS. Dương Quang Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia điều hành gồm 03 báo cáo.
Báo cáo “Thực trạng những thách thức và vấn đề đặt ra đối với giáo viên dạy môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” do TS. Đặng Thị Thu Huệ – Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia trình bày. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu thực trạng những khó khăn, thách thức của giáo viên Trung học cơ sở dạy môn học tích hợp và phân tích các nguyên nhân nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể giúp giáo viên vượt qua các khó khăn, thách thức, hướng tới thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Báo cáo “Thực trạng và đề xuất một số giải pháp biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp Trung học phổ thông” của TS. Đoàn Thị Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia đã phác họa vị trí, vai trò của giáo dục địa phương, thực trạng triển khai và một số đề xuất, kiến nghị. Giáo dục địa phương là điểm mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, là bộ phận không tách rời trong thực hiện chương trình, được coi như lĩnh vực giáo dục độc lập bổ sung chương trình các môn học và hoạt động trải nghiệm về vấn đề địa phương.
Báo cáo “Chính sách về sách giáo khoa trên thế giới” do ThS. Đào Văn Toàn – Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia trình bày. Trên cơ sở phân tích các nghiên cứu và chính sách về sách giáo khoa của hơn 50 quốc gia, báo cáo đã đưa ra khuyến nghị về chính sách sách giáo khoa cần nhất quán theo hướng kiểm soát chất lượng và đảm bảo công bằng, quyền tiếp cận giáo dục.
Tiếp theo Chương trình là Phiên 2 “Thảo luận bàn tròn: Định hướng phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông” với sự điều hành của GS.TS. Lê Anh Vinh.
PGS.TS. Phạm Xuân Quế, Chủ tịch Hội Giảng dạy Vật lí Việt Nam trình bày tham luận “Phát triển và đánh giá sự phát triển năng lực của học sinh phổ thông và một vài suy nghĩ khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới”. Tác giả đặt vấn đề về việc cần tổ chức dạy học như thế nào để phát triển và đánh giá được sự phát triển năng lực của học sinh phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Phiên thảo luận có sự tham gia của các chuyên gia, gồm PGS.TS. Phạm Xuân Quế – Chủ tịch Hội Giảng dạy Vật lí Việt Nam, PGS.TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội tâm lí và Giáo dục học Việt Nam, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – chủ biên Chương trình GD phổ thông môn Ngữ Văn năm 2018″ và TS. Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT. Các chuyên gia bàn luận và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển và đánh giá sự phát triển năng lực của học sinh, như: đưa ra khung lí luận về tổ chức dạy học phát triển năng lực, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, xây dựng các công cụ đánh giá năng lực, chuẩn hóa phương pháp đánh giá năng lực,…
Phiên 3 “Một số hoạt động phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông” dưới sự điều hành của ThS. Hà Văn Quỳnh – Phó Giám đốc Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia cũng là phiên chuyên đề cuối, gồm 03 báo cáo.
Báo cáo “Xây dựng chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất học sinh trong chương trình 2018 qua trường hợp môn Ngữ văn. Minh họa: chuẩn đánh giá kĩ năng viết trong môn Ngữ văn lớp 6” do TS. Nguyễn Thị Thanh Nga – Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia trình bày. Báo cáo tóm tắt các quan niệm về chuẩn và chuẩn đánh giá năng lực, quy trình xây dựng chuẩn đánh giá năng lực học sinh trong môn Ngữ văn, và minh họa xây dựng chuẩn đánh giá kĩ năng viết trong môn Ngữ văn lớp 6.
Để “Bảo tồn và phát huy giá trị của các Di sản văn hóa phục vụ giáo dục phát triển bền vững: Góc nhìn từ thực trạng Việt Nam”, TS. Đỗ Thu Hà và nhóm NC của Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia đã đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường khai thác nội dung giáo dục bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa trong dạy học các môn học và hoạt động giáo dục; Đa dạng các hình thức tổ chức giáo dục bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý giáo dục và các ban ngành liên quan để việc tổ chức giáo dục bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá có hiệu quả.
Báo cáo “Lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng trong dạy học môn Giáo dục thể chất tại một số trường tiểu học ở Việt Nam” do ThS. Lý Quốc Biên – Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia trình bày. Báo cáo tóm tắt kết quả thử nghiệm về việc thông qua thực tiễn dạy và học môn Giáo dục thể chất trong các nhà trường, trang bị kiến thức về vệ sinh dinh dưỡng nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, thái độ, hành vi về dinh dưỡng và sử dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý của học sinh.
Đan xen giữa các báo cáo là phần hỏi đáp, bàn luận của các đại biểu tham dự. Ý kiến của các đại biểu xoay quanh những vấn đề “nóng” trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, như: dạy học tích hợp, liên môn, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển năng lực của học sinh và đánh giá phát triển năng lực,… Hội thảo khép lại với những bài trình bày và thảo luận sâu sắc, hữu ích; đồng thời cũng gợi mở các vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo để góp phần phát triển Chương trình giáo dục phổ thông.
Tin bài: Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam
Ảnh: Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia