Chiều ngày 02/03/2023, tại phòng họp A4, nhằm tạo diễn đàn chia sẻ các thông tin nghiên cứu, đánh giá kết quả thử nghiệm dự án cũng như lắng nghe ý kiến các bên liên quan, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia tổ chức hội thảo tổng kết “Thử nghiệm lồng ghép giáo dục nội dung dinh dưỡng Nhật Bản trong dạy học môn Giáo dục thể chất tại một số trường tiểu học ở Việt Nam”
Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Việt Nam và Quy Ajinomoto Nhật Bản. Mục đich dự án nhằm khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục, chế độ, nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh khối lớp 4,5; thử nghiệm và đánh giá kết quả thử nghiệm lòng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng của Nhật Bản và thực tiễn dạy học môn Giáo dục thể chất, từ đó, đề xuất xây dựng tài liệu hướng dẫn và mở rộng lồng ghép vào dạy học môn Giáo dục thể chất tại các trường tiểu học Việt Nam. Đến dự hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học. Về phía đối tác, có ông Kenji Shinkai, đại diện Quỹ Ajinomoto Nhật Bản, đại biểu đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Về phía Viện, có Viện trưởng, GS. TS. Lê Anh Vinh, đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia, đại diện các phòng chức năng. Ngoài ra, hội thảo còn tiếp đón các đại biểu đến từ các trường tiểu học tham gia dự án ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Anh Vinh gửi lời chào mừng các vị đại biểu đã đến tham dự hội thảo. Ông cho biết những năm gần đây, thể chất của giới trẻ Việt Nam đã có những sự phát triển tích cực, tuy nhiên, trên bình diện khu vực thì những sự thay đổi này vẫn còn khoảng cách. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã triển khai các hoạt động giáo dục thể chất theo hướng tăng cường nội dung chương trình, đặc biệt các hoạt động này có sự tham gia tích cực của các Sở/Phòng giáo dục và các cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn quốc. Hội thảo này không chỉ chia sẻ kết quả thử nghiệm dự án, đánh giá sự phù hợp của chương trình dinh dưỡng học đường Nhật mà còn đề xuất điều chỉnh nội dung chương trình nhằm phát triển chương trình giáo dục thể chất phù hợp với nhà trường ở Việt Nam.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Tạ Ngọc Trí đánh giá môn Giáo dục thể chất có sự thay đổi nhạnh mẽ trong chương trình phổ thông 2018. Chương trình này không chỉ tăng cường hoạt động thể dục mà còn cung cấp kiến thức về giáo dục thể chất cho các em. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Viện trong triển khai các nghiên cứu đưa các nội dung Giáo dục thể chất vào nội dung chương trình.
Ông Kenji Shinkai, đại diện Quỹ Ajinomoto Nhật Bản, nhấn mạnh đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam. Quỹ không chỉ hỗ trợ đào tạo cử nhân dinh dưỡng mà còn hỗ trợ giáo dục dinh dưỡng học đường cho trẻ em Việt Nam. Ông mong muốn thông qua hội thảo, các ý kiến góp ý của các bên liên quan sẽ giúp hoàn thiện chương trình giáo dục dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt Nam.
Tiếp theo chương trình, hội thảo lắng nghe các báo cáo kết quả thử nghiệm dự án, bao gồm kết quả thử nghiệm lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng của Nhật Bản vào giảng dạy tại các trường tiểu học ở Việt Nam, mức độ thay đổi hành vi của học sinh qua khẩu phần, chế độ ăn bán trú tại trường, và kết quả thử nghiệm qua nhận định của giáo viên tại các nhà trường trong phạm vi nghiên cứu.
Sau phần trình bày của các báo cáo viên, hội thảo tiến hành phiên thảo luận về các thông tin thu được. Kết quả cho thấy giáo viên và học sinh đã có nhận thức tốt về các vấn đề về dinh dưỡng, tuy nhiên, các em chưa hình thành các hành vi và thói quen có lợi cho sức khỏe. Trong quá trình dạy học thử nghiệm, đại diện từ các cơ sở giáo dục cho biết các em học sinh hào hứng với nội dung dạy học, thời lượng dạy học là phù hợp với chương trình giáo dục của nhà trường, đồng thời nội dung có thể tích hợp với nhiều chủ đề khác nhau và có thể triển khai theo nhiều hình thức khác nhau. Ngược lại, nhà trường cần đảm bảo các điều kiện triển khai, và cần có sự điều chỉnh nội dung phù hợp học sinh ở Việt Nam.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam