Hoá học là ngành khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, nghiên cứu về thành phần cấu trúc, tính chất và sự biến đổi của các đơn chất và hợp chất.
Hoá học kết hợp chặt chẽ giữa lí thuyết và thực nghiệm, là cầu nối các ngành khoa học tự nhiên khác như vật lí, sinh học, y dược và địa chất học. Những thành tựu của hoá học được ứng dụng vào các ngành vật liệu, năng lượng, y dược, công nghệ sinh học, nông – lâm – ngư nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
Trong chương trình giáo dục phổ thông, Hoá học là môn học thuộc nhóm môn khoa học tự nhiên ở cấp trung học phổ thông, được học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân. Môn Hoá học giúp học sinh có được những tri thức cốt lõi về hoá học và ứng dụng những tri thức này vào cuộc sống, đồng thời có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực giáo dục khác. Cùng với Toán học, Vật lí, Sinh học, Tin học và Công nghệ, môn Hoá học góp phần thúc đẩy giáo dục STEM, một trong những xu hướng giáo dục đang được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nội dung môn Hoá học được thiết kế thành các chủ đề vừa bảo đảm củng cố các mạch nội dung, phát triển kiến thức và kĩ năng thực hành đã hình thành từ cấp học dưới, vừa giúp học sinh có hiểu biết sâu sắc hơn về các kiến thức cơ sở chung của hoá học, làm cơ sở để học tập, làm việc, nghiên cứu.
Chương trình môn Hoá học tuân thủ đầy đủ các quy định được nêu trong Chương trình tổng thể, đồng thời, xuất phát từ đặc điểm môn học, việc xây dựng chương trình môn Hóa học : Bảo đảm tính kế thừa và phát triển; tính thực tiễn; thực hiện yêu cầu định hướng nghề nghiệp và đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh.
- Môn Hoá học kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành, tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và trong khu vực; phù hợp với trình độ nhận thức, tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh, có tính đến điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam. Môn Hoá học chú trọng trang bị cho học sinh các kiến thức cơ sở hoá học chung về cấu tạo, tính chất và ứng dụng của các đơn chất và hợp chất để học sinh giải thích được bản chất của quá trình biến đổi hoá học ở mức độ cần thiết.
- Môn Hoá học đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về tính toán; chú trọng trang bị các khái niệm công cụ và phương pháp sử dụng công cụ, đặc biệt là giúp học sinh có kĩ năng thực hành thí nghiệm, kĩ năng vận dụng các tri thức hoá học vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.
- Môn Hoá học cụ thể hoá mục tiêu giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trên cơ sở xác định các lĩnh vực ngành nghề và quá trình công nghệ đòi hỏi tri thức hoá học chuyên sâu, chương trình lựa chọn nội dung giáo dục cốt lõi và các chuyên đề học tập, giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các tri thức hoá học có nhiều ứng dụng trong thực tiễn, có tác dụng chuẩn bị cho định hướng nghề nghiệp.
- Các phương pháp giáo dục của môn Hoá học góp phần phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, nhằm hình thành năng lực hoá học, cũng như góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể.
Mục tiêu giáo dục của môn Hoá học là hình thành, phát triển ở học sinh năng lực hoá học; đồng thời góp phần cùng các môn học, hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là thế giới quan khoa học; hứng thú học tập, nghiên cứu; tính trung thực; thái độ tôn trọng các quy luật của thiên nhiên, ứng xử với thiên nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân.
Về yêu cầu cần đạt, môn Hoá học hình thành và phát triển ở học sinh năng lực hoá học – một biểu hiện đặc thù của năng lực khoa học tự nhiên với các thành phần: nhận thức hoá học; tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hoá học; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.
– Nhận thức hóa học được thể hiện qua việc học sinh nhận thức được các kiến thức phổ thông cốt lõi của môn Hoá học: kiến thức cơ sở về cấu tạo chất; các quá trình hoá học; các dạng năng lượng và bảo toàn năng lượng; một số chất hoá học cơ bản và chuyển hoá hoá học; một số ứng dụng của hoá học trong đời sống và sản xuất. Học sinh cũng nhận biết được một số ngành, nghề liên quan đến hoá học và định hướng được ngành, nghề sẽ lựa chọn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
– Tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hóa học được thể hiện qua việc học sinh có khả năng quan sát, thu thập thông tin; phân tích, xử lí số liệu; giải thích; dự đoán được kết quả nghiên cứu một số sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và đời sống.
– Vận dụng kiến thức kĩ năng đã học thể hiện qua việc học sinh vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học vào giải quyết một số vấn đề trong học tập, nghiên cứu khoa học và một số tình huống cụ thể trong thực tiễn; Vận dụng được kiến thức hoá học để phát hiện, giải thích được một số hiện tượng tự nhiên, ứng dụng của hoá học trong cuộc sống.Vận dụng được kiến thức hoá học để phản biện, đánh giá ảnh hưởng của một vấn đề thực tiễn.Vận dụng được kiến thức tổng hợp để đánh giá ảnh hưởng của một vấn đề thực tiễn và đề xuất một số phương pháp, biện pháp, mô hình, kế hoạch giải quyết vấn đề. Định hướng được ngành, nghề sẽ lựa chọn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.Ứng xử thích hợp trong các tình huống có liên quan đến bản thân, gia đình và cộng đồngphù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và bảo vệ môi trường.
Về nội dung giáo dục, Chương trình môn Hóa học gồm 3 mạch nội dung cốt lõi: kiến thức cơ sở hóa học chung; kiến thức Hóa học vô cơ và kiến thức Hóa học hữu cơ. Trục phát triển chính của Chương trình môn Hóa học là hệ thống các kiến thức cơ sở hóa học chung về cấu tạo chất và quá trình biến đổi hoá học. Các kiến thức về cấu tạo của nguyên tử, liên kết hóa học, năng lượng hóa học, tốc độ phản ứng hóa học, phản ứng oxi – hóa khử, cân bằng hóa học, pin điện và điện phân, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là cơ sở lí thuyết chủ đạo để học sinh giải thích được bản chất, nghiên cứu được quy luật hoá học ở các nội dung hoá học vô cơ và hoá học hữu cơ ở mức độ nhất định.
Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi (70 tiết/ lớp/ năm), trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được chọn học một số chuyên đề (35 tiết/ lớp/ năm). Mục tiêu của các chuyên đề này là nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, mở rộng nâng cao kiến thức; Tăng cường rèn luyện kĩ năng thực hành, hoạt động trải nghiệm thực tế làm cơ sở giúp học sinh hiểu rõ hơn các quy trình kĩ thuật, công nghệ thuộc các ngành nghề liên quan đến hoá học. Giúp học sinh hiểu sâu hơn vai trò của hoá học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến hoá học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này cũng như có đủ năng lực để giải quyết những vấn đề có liên quan đến hoá học và tiếp tục tự học hoá học suốt đời.
Phương pháp giáo dục môn Hoá học được thực hiện theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tránh áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc, tập trung bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn tri thức, tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chương trình cũng định hướng phương pháp giáo dục nhằm rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức hoá học để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, sáng tạo trên cơ sở tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động học tập, tìm tòi, khám phá, vận dụng.
Giáo viên cần vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể,
giáoviên vận dụng một số phương pháp dạy học có ưu thế như: phương pháp trực quan (đặc biệt là thực hành thí nghiệm,…), phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học theo dự án,… tạo điều kiện để học sinh đưa ra câu hỏi, xác định vấn đề cần tìm hiểu, tự tìm các bằng chứng để phân tích thông tin, kiểm tra các dự đoán, giả thuyết qua việc tiến hành thí nghiệm, hoặc tìm kiếm, thu thập thông tin qua sách, mạng Internet,…; đồng thời chú trọng phát triển tư duy hóa học cho học sinh thông qua các bài tập hoá học đòi hỏi tư duy phản biện, sáng tạo (bài tập mở, có nhiều cách giải,…), các bài tập có nội dung gắn với thực tiễn thể hiện bản chất hoá học, giảm các bài tập tính toán,…
Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục trong Chương trình môn Hóa là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đạt chuẩn (yêu cầu cần đạt) của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc đánh giá cần căn cứ theo các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn học. Phạm vi đánh giá là toàn bộ nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình môn Hoá học cấp trung học phổ thông.
Về hình thức đánh giá, giáo viên cần kết hợp các hình thức đánh giá như đánh giá ở lớp học, đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết ở trường, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kì đánh giá quốc tế.
Về phương pháp đánh giá và công cụ đánh giá, giáo viên cần kết hợp đa dạng các phương pháp đánh giá như tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng; đánh giá tình huống; đánh giá qua trắc nghiệm; đánh giá qua dự án và hồ sơ; đánh giá thông qua phản hồi và phản ánh; đánh giá thông qua quan sát.
Khác với chương trình trước đây, nội dung Chương trình môn Hóa học cấp trung học phổ thông lần này không thiết kế theo bài/tiết, sắp xếp xen kẽ giữa các mạch nội dung mà theo hệ thống chủ đề, nghiên cứu các kiến thức cơ sở hóa học chung làm nền tảng, làm cơ sở lí thuyết chủ đạo để nghiên cứu kiến thức hóa học vô cơ và hóa học hữu cơ. Tuy nhiên, hệ thống kiến thức về cơ bản không thay đổi. Do đó, giáo viên chỉ cần nghiên cứu kĩ chương trình là có thể thực hiện được.
Điểm mới về sử dụng thuật ngữ trong Chương trình môn Hóa học lần này là Chương trình sử dụng thuật ngữ theo khuyến nghị của IUPAC, có tham khảo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5529:2010 và 5530: 2010 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước đáp ứng yêu cầu thống nhất và hội nhập.
Để thực hiện tốt chương trình môn Hóa học cấp trung học phổ thông, các trường cần có phòng học thực hành với các thiết bị dạy học tối thiểu đầy đủ, tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các thí nghiệm và hoạt động trải nghiệm, tìm tòi, khám phá khi học môn Hóa học. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay, tùy vào điều kiện cụ thể, các trường có thể chuẩn bị một số thiết bị dạy học tối thiểu về dụng cụ và hóa chất, các đồ dùng trực quan như: hệ thống sơ đồ, biểu bảng, học liệu điện tử có thể thay thế được thí nghiệm như sử dụng video thí nghiệm, thí nghiệm mô phỏng, thí nghiệm ảo,… với sự hỗ trợ của các phương tiện kĩ thuật như máy tính, máy chiếu (projector) và Internet.