Giới thiệu tóm tắt chương trình môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục lịch sử được thực hiện liên tục ở cả ba cấp học thông qua các môn Lịch sử và Địa lí (cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở), Lịch sử (cấp trung học phổ thông).

Ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Môn Lịch sử có sứ mệnh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực lịch sử, biểu hiện của năng lực khoa học, đồng thời góp phần vào việc xây dựng những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được xác định trong Chương trình tổng thể. Với đặc trưng của môn học, môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc; củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

 Xuất phát từ đặc trưng của môn học, Chương trình môn Lịch sử nhấn mạnh các quan điểm xây dựng chương trình: khoa học, hiện đại; hệ thống, cơ bản; thực hành, thực tiễn; dân tộc, nhân văn; mở, liên thông. Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh tiếp cận lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử dân tộc một cách khoa học trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại của khoa học lịch sử và khoa học giáo dục.

Chương trình đặc biệt coi trọng nội dung thực hành lịch sử, kết nối lịch sử với thực tiễn cuộc sống. Chương trình tăng cường phần thực hành cả về thời lượng lẫn các hình thức thực hành; đa dạng hoá các loại hình thực hành để học sinh được hoạt động trải nghiệm thông qua các hình thức tổ chức giáo dục như: hoạt động nhóm/cá nhân tự học, học trên lớp/ở bảo tàng, đi thực địa, học qua dự án, di sản lịch sử, văn hóa,… nhằm mục tiêu phát triển năng lực lịch sử, truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích lịch sử và có khả năng tự học lịch sử suốt đời.

Chương trình mang tính thiết thực và phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước và thực tiễn giáo dục ở các vùng miền trong cả nước. Chương trình môn Lịch sử hướng học sinh tới nhận thức đúng về những giá trị truyền thống của dân tộc, giúp học sinh hình thành, phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam và những giá trị phổ quát của công dân toàn cầu.

Cấu trúc Chương trình môn Lịch sử có những thay đổi căn bản. Chương trình được xây dựng theo cấu trúc chính là tuyến tính kết hợp với đồng tâm, thay cho cấu trúc đồng tâm của chương trình hiện hành (học toàn bộ thông sử ở cả ba cấp).

Trục phát triển chính của Chương trình môn Lịch sử là hệ thống các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, nhằm mục tiêu nâng cao và mở rộng kiến thức thông sử mà học sinh đã được học ở cấp trung học cơ sở. Các chủ đề được xây dựng trên cơ sở tổng hợp những kiến thức lịch sử mà học sinh đã được học ở cấp trung học cơ sở, tạo cơ sở để học sinh tiếp cận một cách toàn diện các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng v.v… qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời, thông qua các chủ đề, học sinh nhận thức được sự tương tác giữa lịch sử thế giới, khu vực với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề học tập. Mục tiêu của các chuyên đề này là:

– Mở rộng, nâng năng lực lịch sử  nói chung, đáp ứng yêu cầu phân hoá sâu ở cấp trung học phổ thông.

– Giúp học sinh hiểu sâu hơn về vai trò của sử học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến lịch sử để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này cũng như có đủ năng lực cơ bản để giải quyết những vấn đề có liên quan đến lịch sử và tiếp tục tự học lịch sử suốt đời.

– Tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp học sinh phát triển tình yêu, sự say mê, ham thích tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử thế giới.

Qua các bài học lịch sử về thành công và cả những sai lầm, thất bại trong quá khứ , học sinh sẽ rút ra bài học về ứng xử với bản thân, gia đình, xã hội, thế giới, để hướng tới xã hội hòa bình, phát triển. Học sinh cũng được hướng dẫn để biết rằng còn nhiều khoảng trống và cả những vấn đề chưa tỏ tường, cần những sử liệu mới, góc nhìn mới về lịch sử mà sách giáo khoa chưa đề cập đến. Đây sẽ là chân trời lớn để học sinh thỏa sức đam mê khám phá, học tập lịch sử suốt đời.

 Một trong những điểm nhấn của Chương trình môn Lịch sử là  đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo định hướng phát triển năng lực. Phương pháp dạy học Lịch sử theo  định hướng phát triển năng lực không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh mà đặt trọng tâm rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống; đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Phương pháp dạy học Lịch sử theo định hướng  phát triển năng lực được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của khoa học lịch sử: thông qua các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện lịch sử, phục dựng một cách khoa học, khách quan, chân thực quá trình phát triển của lịch sử. Thông qua việc tổ chức các hoạt động dạy học đa dạng, giáo viên giúp học sinh phát huy năng lực sáng tạo trong học tập Lịch sử, trở thành “người đóng vai lịch sử”, hay “người làm lịch sử” để khám phá kiến thức lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.

Chương trình chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn và phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học lịch sử. Với hình thức dạy học lịch sử theo chủ đề, giáo viên hướng dẫn học sinh củng cố hệ thống kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức về lịch sử Việt Nam, khu vực và thế giới thông qua hệ thống chủ đề về lịch sử chính trị, kinh tế,  văn hóa, xã hội, tư tưởng, tôn giáo – tín ngưỡng, nghệ thuật – kiến trúc, ngoại giao và quan hệ quốc tế, dân cư và tộc người,… Thông qua hệ thống chủ đề này, giáo viên giúp học sinh có khả năng tiếp cận và xử lí thông tin từ những nguồn khác nhau, có khả năng xâu chuỗi các sự kiện lịch sử có liên quan, đưa ra nhận xét cá nhân về các sự kiện lịch sử, xây dựng năng lực phản biện và sáng tạo, từ đó có khả năng vận dụng những kinh nghiệm lịch sử vào thực tiễn, dùng tri thức lịch sử để giải thích những vấn đề hiện tại.

Cùng với việc đổi mới phương pháp giáo dục lịch sử theo định hướng phát triển năng lực, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức lịch sử trong những tình huống ứng dụng, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử, thuộc lòng và ghi nhớ máy móc làm trung tâm của việc đánh giá. Mục đích chủ yếu của đánh giá kết quả học tập là đối chiếu, so sánh năng lực học sinh đạt được với mức độ yêu cầu của chuẩn kiến thức và năng lực lịch sử ở từng chủ đề, từng cấp học, để từ đó có những biện pháp cải thiện kịp thời các hoạt động dạy và  học để đạt được mục tiêu giáo dục.

 Chương trình khuyến khích việc sử dụng phối hợp các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá khác nhau đối với môn Lịch sử như: kết hợp giữa kiểm tra miệng, kiểm tra viết và bài tập thực hành, dự án nghiên cứu; kết hợp giữa hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá.

Về nội dung kiểm tra, đánh giá, chương trình chú trọng việc sử dụng các câu hỏi, bài tập ở những mức độ khác nhau như: nhận biết (ghi nhớ, tái hiện quá khứ lịch sử trong các tình huống không thay đổi nhằm củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng cơ bản); thông hiểu (có khả năng tóm tắt, giải thích, lí giải các sự kiện, quá trình, nhân vật lịch sử,…); vận dụng (so sánh, phân tích, tổng hợp các sự kiện, nhân vật lịch sử); vận dụng cao (đánh giá, vận dụng kiến thức lịch sử vào những tình huống thay đổi, kết nối lịch sử với hiện tại). Chương trình đặt trọng tâm vào việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức lịch sử của học sinhđể giải quyết vấn đề gắn các vấn đề gắn với thực tiễn, kết nối lịch sử với hiện tại, tạo cơ hội phát triển năng lực tự chủ, sáng tạo của học sinh.

Về thiết bị và đồ dùng dạy học, việc chuyển đổi từ dạy học ở phòng học truyền thống sang phòng học bộ môn sẽ phát huy được vai trò tối ưu của thiết bị dạy học. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay, khi việc dạy học ở các phòng học truyền thống vẫn còn phổ biến ở nước ta, nhà trường và giáo viên tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, có thể chuẩn bị một số đồ dùng trực quan trong dạy học Lịch sử như: hệ thống bản đồ, tranh ảnh, sa bàn, sơ đồ, biểu đồ, các loại băng đĩa,… với sự hỗ trợ của các phương tiện kĩ thuật như máy tính, đèn chiếu (overhead), máy chiếu (projector) và Internet. Lịch sử là môn học có hệ thống kiến thức thuộc về quá khứ, học sinh không thể trực tiếp quan sát các sự kiện, do vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ giáo viên tái hiện lịch sử trong quá trình dạy học. Việc khai thác và sử dụng các chức năng cơ bản của Internet, các phần mềm dạy học sẽ giúp giáo viên thiết kế giáo án điện tử, đưa vào bài giảng các hình ảnh, âm thanh, tư liệu lịch sử, nhằm nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử, truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn Lịch sử và phát triển năng lực lịch sử.

Bài viết liên quan