Hỏi đáp về Chương trình môn Vật Lí

H. Chương trình môn Vật lí được xây dựng dựa trên những quan điểm nào?

Chương trình môn Vật lí quán triệt đầy đủ các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình tổng thể, gồm định hướng chung cho tất cả các môn học và định hướng xây dựng chương trình mônVật lí ở các cấp học; mặt khác, chương trình môn Vật lí kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành, tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đồng thời tiếp cận những thành tựu của khoa học giáo dục và khoa học vật lí phù hợp với trình độ nhận thức và tâm, sinh lí lứa tuổi của học sinh, có tính đến điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam.

H. Mục tiêu của chương trình môn Vật lí là gì?

Cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác, môn Vật lí giúp học sinh đạt được các phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể của Chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, môn Vật lí giúp học sinh có được những kiến thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi về vật lí; vận dụng được một số kĩ năng tiến trình khoa học; vận dụng được một số kiến thức, kĩ năng trong thực tiễn; nhận biết đúng được một số năng lực, sở trường của bản thân và lựa chọn được một số ngành nghề liên quan đến lĩnh vực mà môn học đề cập.

H. Mục tiêu định hướng nghề nghiệp được thể hiện trong chương trình môn Vật lí như thế nào

- Một trong những mục tiêu của chương trình môn Vật lí là giúp học sinh nhận biết được năng lực, sở trường của bản thân, định hướng được nghề nghiệp và có kế hoạch học tập, rèn luyện đáp ứng yêu cầu của định hướng nghề nghiệp. Mục tiêu này được thực hiện xuyên suốt trong toàn bộ chương trình từ nội dung, kế hoạch dạy học cho đến kiểm tra, đánh giá, dưới các góc độ khác nhau.

- Trong mỗi chủ đề học sinh đều tìm hiểu được một số ngành nghề liên quan đến nội dung mà chủ đề đề cập. Chương trình đã mô tả một cách rõ ràng cấu trúc của thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng trong thực tiễn; tạo điều kiện thuận tiện cho giáo viên giúp học sinh hình thành và định hướng được ngành nghề sẽ lựa chọn.

- Trong số các chuyên đề học tập, một số chuyên đề nhằm định hướng ngành nghề cho học sinh. Ví dụ chuyên đề “Vật lí trong một số ngành nghề” giới thiệu và hướng dẫn học sinh tìm hiểu về các ngành nghề có liên quan đến vật lí, qua đó giúp học sinh hình dung được phần nào bức tranh ứng dụng vật lí trong thực tiễn, hiểu được tầm quan trọng của vật lí trong cuộc sống và có ý tưởng chính về các chủ đề vật lí sẽ được tìm hiểu trong chương trình trung học phổ thông. Với các ngành nghề chưa có điều kiện cho học sinh thực hành (vì trang thiết bị phổ thông chưa đáp ứng được) thì có thể dùng học liệu đa phương tiện để giới thiệu một số quy trình công nghệ và tạo điều kiện để học sinh tham quan các cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại.

H. Năng lực Vật Lí gồm những thành phần nào? Làm thế nào để hình thành, phát triển năng lực Vật Lí cho học sinh?

Môn Vật Lí hình thành và phát triển ở học sinh năng lực Vật Lí bao gồm các năng lực thành phần sau: năng lực nhận thức Vật Lí; năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ Vật Lí; năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học. Trong đó, năng lực nhận thức Vật Lí được thể hiện qua khả năng nhận thức được các kiến thức về động học, động lực học, các dạng năng lượng và bảo toàn năng lượng, điện, từ, sóng, dao động, vật lí hạt nhân, phóng xạ, vật lí lượng tử…; một số ứng dụng của Vật Lí trong đời sống và sản xuất. Năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ Vật Lí được thể hiện qua khả năng quan sát, thu thập thông tin; phân tích, xử lí số liệu; giải thích; dự đoán được kết quả nghiên cứu một số sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và đời sống. Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học thể hiện qua khả năng vận dụng được kiến thức, kĩ năng Vật Lí vào một số tình huống cụ thể trong thực tiễn; mô tả, dự đoán, giải thích hiện tượng, giải quyết các vấn đề một cách khoa học; khả năng ứng xử thích hợp trong các tình huống có liên quan đến bản thân, gia đình và cộng đồng; ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và bảo vệ môi trường...

H. Các trường cần đáp ứng những yêu cầu gì về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đủ điều kiện thực hiện chương trình môn Vật lý?

- Để đạt mục tiêu phát triển năng lực học sinh, chương trình môn Vật lí đã đưa ra các yêu cầu tối thiểu về thiết bị thí nghiệm, thực hành giúp phát triển năng lực học sinh. Ở những nơi có điều kiện, các địa phương, các cơ sở giáo dục có thể bổ sung các thiết bị phù hợp.

- Chương trình môn Vật lí xác định nội dung giáo dục cũng như các yêu cầu cần đạt thống nhất đối với học sinh tất cả các vùng, miền. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện những kĩ năng cơ bản trong tìm hiểu, khám phá đối tượng vật lí, giáo viên có thể chủ động tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm và thực hành một số nội dung mang sắc thái riêng của địa phương mình.

- Trong một số trường hợp, những vùng còn khó khăn, thiếu thốn về thiết bị dạy học có thể thực hiện một số yêu cầu cần đạt ở mức độ đơn giản hơn. Ví dụ, trong trường hợp nhất định, chương trình nêu ra 2 mức đáp ứng cho một yêu cầu cần đạt: thực hiện thí nghiệm hoặc dựa trên số liệu cho sẵn để rút ra kết luận. Học sinh ở những trường không đủ điều kiện về thiết bị dạy học có thể chỉ dựa trên số liệu cho trước mà không thực hiện thí nghiệm. Tuy nhiên, để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất về kiến thức, kĩ năng đối với học sinh cả nước, trong chương trình môn Vật lí cũng chỉ có một số trường hợp được lựa chọn hai mức yêu cầu cần đạt như vậy. Các địa phương cần bảo đảm yêu cầu tối thiểu về thiết bị dạy học được quy định trong chương trình để thực hiện được đầy đủ các mức độ yêu cầu cần đạt của chương trình.

H. Giáo viên có thể gặp những khó khăn gì khi dạy chương trình Vật Lí? Cách khắc phục những khó khăn?

Khó khăn lớn nhất của giáo viên khi dạy chương trình mới là việc vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực; nhất là trong điều kiện lớp đông học sinh, thiết bị dạy học không đồng bộ, khó áp dụng được các phương pháp tổ chức dạy học tích cực. Mặt khác, thói quen tập trung vào việc truyền thụ kiến thức, chưa chú ý đúng mức đến rèn luyện kĩ năng là một trở ngại lớn khi thực hiện chương trình phát triển năng lực. Hơn nữa, kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh là vấn đề mới và khó với nhiều giáo viên.

Để giúp giáo viên khắc phục những khó khăn trên, cần có sự thay đổi về chất việc kiểm tra đánh giá và các kì thi; tổ chức tập huấn, đặc biệt là tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về dạy học phát triển năng lực. Đồng thời, cách quản lí khoa học và hiệu quả các hoạt động giáo dục của lãnh đạo các nhà trường cùng với sự nỗ lực của mỗi giáo viên trong hoạt động học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ có vai trò quyết định đối với việc khắc phục các khó khăn có thể gặp khi thực hiện chương trình mới.

H. Nội dung giáo dục trong chương trình môn Vật Lí được xác định dựa vào những căn cứ nào?

Chương trình môn Vật lí kế thừa hầu hết nội dung kiến thức từ chương trình hiện hành nhưng được cấu trúc lại để giúp hình thành và phát triển năng lực; chú trọng phát triển kĩ năng thực hành, thí nghiệm và ứng dụng trong thực tiễn; định hướng dạy học tích cực một cách cụ thể. Hơn nữa, trong các chủ đề luôn khơi gợi, tạo hứng thú về các ngành nghề liên quan đến kiến thức, kĩ năng đã học. Đặc biệt là, chương trình đã tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Có thể kể một vài minh chứng như sau:

+ Sử dụng các mức độ năng lực đặc thù và các kĩ năng tiến trình trong giáo dục phổ thông được thừa nhận rộng rãi trên thế giới.

+ Tiếp cận các xu hướng tiến bộ của thế giới về các phương pháp dạy học và các yêu cầu về kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

H. Nội dung giáo dục trong chương trình môn Vật lí có gì mới?

- Chương trình đã vận dụng logic chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; đồng thời tiếp cận được những thành tựu của khoa học giáo dục và khoa học vật lí phù hợp với trình độ nhận thức và tâm, sinh lí lứa tuổi của học sinh, có tính đến điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam.

- Chương trình được thiết kế chú trọng bản chất, ý nghĩa vật lí của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về toán học; tạo điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lí, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn. Các chủ đề được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt; bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.

- Mỗi năm học, mỗi học sinh được lựa chọn 3 chuyên đề học tập nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

H. Thế nào là chương trình được thiết kế theo hướng mở?

Chương trình môn Vật lí được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu học sinh cần đạt; chỉ đưa ra các định nghĩa cụ thể cho các khái niệm trong trường hợp có những cách hiểu khác nhau. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt, các tác giả sách giáo khoa chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học cụ thể theo yêu cầu phát triển chương trình. Trên cơ sở bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình, giáo viên có thể lựa chọn, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách giáo khoa, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học. Trong một lớp, thứ tự dạy học các chủ đề (bao gồm các chủ đề bắt buộc và các chuyên đề tự chọn) là không cố định “cứng”, các tác giả sách giáo khoa, giáo viên có thể sáng tạo một cách hợp lí, sao cho không làm mất logic hình thành kiến thức, kĩ năng và không hạn chế cơ hội hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Thứ tự dạy học các chủ đề được thực hiện sao cho chủ đề mô tả hiện tượng vật lí được thực hiện trước để cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện tượng, sau đó đến chủ đề giải thích và nghiên cứu hiện tượng để cung cấp cơ sở vật lí sâu hơn, rồi đến chủ đề ứng dụng của hiện tượng đó trong khoa học hoặc thực tiễn. Đó là một thứ tự dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn giáo dục.

H. Thời lượng cho các nội dung trong chương trình môn Vật lí có gì đáng chú ý?

Cùng với các nội dung giáo dục cốt lõi có thời lượng 70 tiết cho một năm học, những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều kiến thức, kĩ năng vật lí được học thêm 35 tiết chuyên đề cho một năm học. Tổng thời lượng cho mỗi lớp học là 105 tiết/năm (bao gồm 35 tiết dành cho 3 chuyên đề học tập), dạy trong 35 tuần.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, dự kiến thời lượng không quy định số tiết cho mỗi bài dạy cụ thể mà chỉ quy định cho mỗi mạch nội dung. Nhà trường được trao quyền chủ động trong việc phần chia thời lượng chi tiết hơn.

H. Định hướng phương pháp giáo dục của chương trình môn vật lí có gì đáng chú ý?

Phương pháp giáo dục môn Vật Lí được thực hiện theo những định hướng chung sau đây:

- Phát triển phẩm chất, năng lực chung và năng lực vật lí cho học sinh thông qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá hiện tượng, quá trình vật lítrong thế giớitự nhiên; vận dụng kiến thức, kĩ năng để phát hiện và giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Chú trọng tổ chức cho học sinh được tự học theo kế hoạch và sự hướng dẫn của giáo viên, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và khả năng của mỗi học sinh.

- Vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống của học sinh trong học tập; tránh áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Bên cạnh hình thức dạy học chủ yếu là học ở lớp học hoặc ở phòng thực hành, tổ chức cho học sinh một số hoạt động trải nghiệm ở ngoài lớp học như tại thực địa, trong cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề theo quy mô lớp hoặc nhóm học sinh. Chú trọng vận dụng, khai thác lợi thế của công nghệ thông tin - truyền thông và các thiết bị thí nghiệm, thực hành trong tổ chức hoạt động học cho học sinh.

- Thực hiện giáo dục tích hợp, đặc biệt là giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán (giáo dục STEM); giáo dục tích hợp bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của xã hội.

H. Chương trình môn Vật lí định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực chung như thế nào?

Môn Vật lí góp phần đắc lực vào việc hình thành và phát triển thế giới quan khoa học cho học sinh, tạo cơ hội để học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên qua hệ thống các quy luật vật lí, đồng thời giáo dục học sinh trách nhiệm công dân trong việc tôn trọng các quy luật của thiên nhiên, biết trân trọng, giữ gìn, bảo vệ và ứng xử với thiên nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.

Trong học tập thực hành, thí nghiệm, khi thực hiện các hoạt động tìm hiểu khoa học, ngoài học được kiến thức khoa học, rèn luyện được các kĩ năng, học sinh cũng được rèn luyện và phát triển nhiều đức tính như cẩn thận, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, ...

Năng lực tự chủ và tự học được hình thành và phát triển trong môn Vật lí thông qua các hoạt động thực hành, làm dự án, thiết kế và thực hiện các phép đo đại lượng vật lí; đặc biệt là trong việc thực hiện hoạt động tìm hiểu khoa học.

Trong môn Vật lí, học sinh thường xuyên phải thực hiện các dự án học tập, các bài thực hành, thực tập theo nhóm. Khi thực hiện các nhiệm vụ học tập này, học sinh được trao đổi, trình bày, chia sẻ ý tưởng, nội dung học tập. Đó là những cơ hội tốt để học sinh có thể hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác.

Giải quyết vấn đề và sáng tạo là một đặc thù của hoạt động tìm hiểu khoa học. Ở môn Vật lí, năng lực này được hình thành, phát triển trong đề xuất vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí – những nội dung xuyên suốt từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông và được hiện thực hoá thông qua các mạch thực hành, trải nghiệm với các mức độ khác nhau. Năng lực này cũng được hình thành và phát triển thông qua việc vận dụng kiến thức, kĩ năng vật lí để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

H. Chương trình môn Vật lí định hướng về phương pháp hình thành, phát triển năng lực vật lí như thế nào

Để phát triển năng lực nhận thức vật lí, giáo viên cần tạo cho học sinh cơ hội huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức, kĩ năng mới. Chú ý tổ chức các hoạt động, trong đó học sinh có thể diễn đạt hoặc mô tả bằng cách riêng, phân tích, giải thích so sánh, hệ thống hoá, áp dụng trực tiếp kiến thức, kĩ năng đã được học để giải quyết thành công tình huống, vấn đề trong học tập; qua đó, kết nối được kiến thức, kĩ năng mới với vốn kiến thức, kĩ năng đã có.

Để phát triển năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí, giáo viên cần vận dụng một số phương pháp dạy học có ưu thế như: phương pháp trực quan (đặc biệt là thực hành, thí nghiệm,...), phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học theo dự án,...tạo điều kiện để học sinh đưa ra câu hỏi, xác định vấn đề cần tìm hiểu, tự tìm các bằng chứng để phân tích thông tin, kiểm tra các dự đoán, giả thuyết qua việc tiến hành thí nghiệm, hoặc tìm kiếm, thu thập thông tin qua sách, mạng internet,...; đồng thời chú trọng các bài tập đòi hỏi tư duy phản biện, sáng tạo (bài tập mở, có nhiều cách giải,...), các bài tập có nội dung gắn với thực tiễn thể hiện bản chất vật lí, giảm các bài tập tính toán,..

Để phát triển năng lực vận duṇg kiến thức, kĩ năng đã học, giáo viên cần chú ý tạo cơ hội cho học sinh tương tác tích cực thông qua quá trình phát hiện, đề xuất ý tưởng, giải quyết vấn đề bằng cách: đưa ra phán đoán và xây dựng giả thuyết; lập kế hoạch thực hiện; tìm kiếm thông tin qua tài liệu in và tài liệu đa phương tiện;thu thập, lưu trữ dữ liệu từ các thí nghiệm trong phòng thực hành hoặc quan sát ở thiên nhiên; phân tích, xử lí, đánh giá các dữ liệu dựa trên các tham số thống kê đơn giản; so sánh kết quả với giả thuyết, giải thích, rút ra được kết luận; viết, trình bày báo cáo và thảo luận; vận dụng kiến thức, kĩ năng vật lí để đưa ra những phản hồi hợp lí hoặc giải quyết thành công tình huống, vấn đề mới trong học tập, trong cuộc sống.

H. Định hướng chung trong đánh giá kết quả giáo dục môn Vật lí là gì?

- Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là thu thập thông tin trung thực, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và sự tiến bộ của học sinh; qua đó, hướng dẫn hoạt động học tậpđiều chỉnh hoạt động dạy học.

- Căn cứ đánh giá trong môn Vật lí là các yêu cầu cần đạt về năng lực chung và năng lực vật lí được quy định trong Chương trình tổng thể và Chương trình môn Vật lí. Đối tượng đánh giá là quá trình học tập, rèn luyện và sản phẩm của học sinh thông qua học tập môn Vật lí.

- Để đánh giá được năng lực của học sinh, cần thiết kế các tình huống xuất hiện vấn đề cần giải quyết, giúp học sinh bộc lộ năng lực của mình. Mặt khác, cần lưu ý xác định, lựa chọn các phương pháp, công cụ, tiêu chí đánh giá sao cho phù hợp.

- Trọng tâm đánh giá kết quả học tập môn Vật lí là năng lực nhận thức vấn đề, giải quyết vấn đề và các kĩ năng thực hành, thí nghiệm, cụ thể là nhận thức cốt lõi về: mô hình hệ vật lí, năng lượng và sóng, lực và trường, ngành nghề liên quan đến vật lí; các kĩ năng thí nghiệm, thực hành, tìm hiểu khoa học, vận dụng những điều đã học để giải thích một số hiện tượng vật lí đơn giản, bước đầu giải quyết một số vấn đề thực tiễn, và cách ứng xử thích hợp với môi trường thiên nhiên.

- Phối hợp một cách hợp lí việc đánh giá của giáo viên với đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá của học sinh; đánh giá qua quan sát hoạt động nhóm ở trong và ngoài lớp học, quan sát thao thác thực hành, thí nghiệm vật lí, phân tích các bài thuyết trình; đánh giá qua vấn đáp và đánh giá qua bài tập, bài kiểm tra, vở ghi chép, bản báo cáo kết quả thực hành, kết quả dự án học tập, kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và các hồ sơ học tập khác; đánh giá theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm khách quan; kết hợp đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết; đánh giá thường xuyên và định kì.

H. Giáo viên có thể gặp những khó khăn gì khi dạy chương trình Vật Lí? Cách khắc phục những khó khăn?

Khó khăn lớn nhất của giáo viên khi dạy chương trình mới là việc vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực; nhất là trong điều kiện lớp đông học sinh, thiết bị dạy học không đồng bộ, khó áp dụng được các phương pháp tổ chức dạy học tích cực. Mặt khác, thói quen tập trung vào việc truyền thụ kiến thức, chưa chú ý đúng mức đến rèn luyện kĩ năng là một trở ngại lớn khi thực hiện chương trình phát triển năng lực. Hơn nữa, kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh là vấn đề mới và khó với nhiều giáo viên.

Để giúp giáo viên khắc phục những khó khăn trên, cần có sự thay đổi về chất việc kiểm tra đánh giá và các kì thi; tổ chức tập huấn, đặc biệt là tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về dạy học phát triển năng lực. Đồng thời, cách quản lí khoa học và hiệu quả các hoạt động giáo dục của lãnh đạo các nhà trường cùng với sự nỗ lực của mỗi giáo viên trong hoạt động học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ có vai trò quyết định đối với việc khắc phục các khó khăn có thể gặp khi thực hiện chương trình mới.

H. STEM có phải là một phương phương pháp dạy học mới nhằm phát triển năng lực học sinh hay không?

STEM không phải là một phương phương pháp dạy học mà là một cách tiếp cận dạy học. Giáo dục STEM là cách tiếp cận liên ngành, lấy bối cảnh vấn đề gắn liền với đời sống thực, nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng vào giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, học sinh có cơ hội hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết cho cuộc sống. Môn Vật lí là một trong những môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên cho nên có nhiều cơ hội vận dụng cách tiếp cận giáo dục STEM vào dạy học.

H. Thí nghiệm, thực hành đóng vai trò như thế nào trong môn Vật lí?

Thí nghiệm, thực hành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành khái niệm, quy luật, định luật vật lí. Vì vậy, Chương trình môn Vật lí chú trọng rèn luyện cho học sinh khả năng tìm hiểu các thuộc tính của đối tượng vật lí thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành dưới các góc độ khác nhau.

H. Trong môn Vật lí, với những thí nghiệm khó, phức tạp, nguy hiểm hoặc không có điều kiện thực hiện trên lớp thì có những giải pháp nào để giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm thí nghiệm giúp học sinh hình thành khái niệm, quy luật, định luật Vật lí?

Thí nghiệm, thực hành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành khái niệm, quy luật, định luật vật lí. Vì vậy, Chương trình môn Vật lí chú trọng rèn luyện cho học sinh khả năng tìm hiểu các thuộc tính của đối tượng vật lí thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành dưới các góc độ khác nhau.

H. Môn Vật lí được kế thừa và phát triển dựa trên các môn học nào ở THCS và tiểu học?

Trong nhà trường phổ thông, giáo dục vật lí được thực hiện ở cả ba cấp học với các mức độ khác nhau.

- Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), nội dung giáo dục vật lí được đề cập trong các môn học: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2, lớp 3); Khoa học (lớp 4, lớp 5); Khoa học tự nhiên (từ lớp 6 đến lớp 9).

- Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông), Vật lí là môn học thuộc nhóm môn Khoa học tự nhiên, được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều kiến thức, kĩ năng vật lí được học thêm các chuyên đề học tập. Môn Vật lí giúp học sinh tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh bước đầu nhận biết đúng năng lực, sở trường của bản thân, có thái độ tích cực đối với môn học. Trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản, Chương trình môn Vật lí lựa chọn phát triển những vấn đề cốt lõi thiết thực nhất, đồng thời chú trọng đến các vấn đề mang tính ứng dụng cao là cơ sở của nhiều ngành kĩ thuật, khoa học và công nghệ.

H. Điểm mới nổi bật trong “yêu cầu cần đạt” của môn Vật lí so với chương trình Vật lí trước đây?

Điểm mới nổi bật trong “yêu cầu cần đạt” của môn Vật lí so với chương trình Vật lí trước đây đó là: giảm bớt các yêu cầu về tính toán, vận dụng công thức để giải bài tập; tăng các yêu cầu giải thích, vận dụng, thảo luận, thực hiện,…từ đó giảm các yêu cầu nhớ thông tin kiến thức, giúp học sinh có cơ hội phát triển các kĩ năng tiến trình khoa học và vận dụng kiến thức Vật lí vào thực tiễn.