H. Vị trí của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
- Đây là hoạt động giáo dục trong nhà trường trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
- Đối với cấp tiều học có tên là Hoạt động trải nghiệm và đối với cấp trung học là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
- Đây là hoạt động bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12
- Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nhiệm hướng nghiệp cùng các môn học khác góp hình hình thành các năng lực và phẩm chất cốt lõi trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
H. Vai trò và tính chất nổi bật của hoạt động giáo dục trong giai đoạn giáo dục cơ bản của Hoạt động trải nghiệm
Giai đoạn giáo dục cơ bản:
- Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi.
- Ở cấp trung học cơ sở, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp; đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.
H. Vai trò và tính chất nổi bật của hoạt động giáo dục trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp
Ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp trung học phổ thông tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghềnnghiệp. Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất và năng lực để
thích ứng với nghề nghiệp tương lai.
H. Đặc điểm của Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
- Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện.
- Hoạt động tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi.
- Thông qua hoạt động này, những kinh nghiệm đã trải qua chuyển hoá thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai. --- Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho học sinh; nội dung hoạt động được xây dựng dựa trên các mối quan hệ của cá nhân học sinh với bản thân, với xã hội, với tự nhiên và với nghề nghiệp.
H. Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có quan hệ như thế nào với các môn học khác
Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp sử dụng kiến thức, kĩ năng của các môn học và lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội, tham gia hoạt động hướng nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên hoạt động này được thiết kế theo chức năng, nhiệm vụ của chính mình, đáp ứng mục tiêu của hoạt động đề ra và cùng với các môn học, góp phần đạt mục tiêu chung của chương trình tổng thể
H. Quan điểm xây dựng Chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
Chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp quán triệt quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình giáo dục phổ thông nêu tại Chương trình tổng thể, đồng thời nhấn mạnh các quan điểm sau:
- Chương trình dựa trên lí thuyết hoạt động, lí thuyết trải nghiệm và thực tiễn Việt Nam
Chương trình được xây dựng dựa trên các lý thuyết cơ bản trong khoa học giáo dục: Lí thuyết hoạt động, lí thuyết học trải nghiệm làm cơ sở để thiết kế các phạm vi, chủ đề và phương thức hoạt động cũng như đánh giá kết quả hoạt động… Làm thế nào để phát triển hài hoà, toàn diện và tác động được đến sự toàn vẹn nhân cách học sinh, chương trình phải dựa trên các lí thuyết về nhân cách, tâm lí học nhân văn, tâm lí học cấu trúc… Ngoài ra, chương trình dựa trên kinh nghiệm quốc tế trong phát triển chương trình; giá trị văn hoá dân tộc và thời đại; đặc biệt kế thừa các ưu điểm của chương trình hoạt động giáo dục trước đây.
- Chương trình đảm bảo tính chỉnh thể và nhất quán Chương trình bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán và phát triển liên tục qua các lớp, các cấp học. Chương trình được thiết kế theo hướng vừa đồng tâm, vừa tuyến tính, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 với các mạch nội dung hoạt động thống nhất: Hoạt động hướng vào bản thân, Hoạt động hướng đến xã hội, Hoạt động hướng đến tự nhiên và Hoạt động hướng nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình của các lớp sau mang tính kế thừa của các lớp trước, cấp học trước, đồng thời cập nhật chủ đề mới có tính thời sự phù hợp với từng độ tuổi, góp phần tạo nên tính chỉnh thể của chương trình.
- Chương trình bảo đảm tính mở, linh hoạt
Chương trình chỉ đưa ra những định hướng về nội dung và các yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất thông qua việc thực hiện từng mạch nội dung hoạt động. Các cơ sở giáo dục và giáo viên hoàn toàn có thể chủ động xây dựng nội dung chi tiết, kế hoạch hoạt động, phương thức, không gian, thời gian hoạt động phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của nhà trường, của đội ngũ, của học sinh trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đối với mỗi lớp học, cấp học. Chương trình nhà trường, chương trình địa phương liên quan đều có thể tích hợp, lồng ghép trong Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp