Ngày 09, 10/01/2023, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức tập huấn hướng dẫn vận dụng lồng ghép chiến lược 6C vào dạy học môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học cho 10 tỉnh/thành phố thuộc khu vực vùng Trung du, miền núi phía bắc tại Sơn La bao gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Đây là đợt tập huấn đợt 2 trong chuỗi tập huấn miền Bắc ở giai đoạn 2022-2023, với mong muốn giới thiệu đến các giáo viên môn GDTC tại các nhà trường tiểu học cách tiếp cận dạy học môn học theo Chiến lược 6C thông qua lựa chọn, tổ chức các hoạt động và trò chơi vận động trong giờ học GDTC, nhằm thúc đẩy sự tự tin, cơ hội, đóng góp, lựa chọn…, qua đó tăng sự tự giác tích cực tập luyện, khơi dậy hứng thú, tình yêu với môn học, góp phần hình thành, phát triển năng lực và các phẩm chất chủ yếu của học sinh, đáp ứng mục tiêu cốt lõi trong chương trình môn GDTC 2018. Tham dự đợt tập huấn có GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện KHGDVN; Ông Đặng Văn Bôn, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học – Sở GDĐT Tỉnh Sơn La; Đại diện lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ quản lí và 105 giáo viên cốt cán môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học của 10 Sở giáo dục và Đào tạo trong diện tập huấn; Đại diện Công ty cổ phần truyền thông Danson và đội ngũ chuyên gia về giáo dục thể chất, Viện KHGDVN. Phát biểu trong buổi khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh gửi lời cảm ơn sự có mặt tham dự của các đại biểu, các thầy cô giáo đến từ 10 sở giáo dục và Đào tạo. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Giáo dục thể chất đối với học sinh tiểu học đồng thời cho rằng đối với các em học sinh học môn GDTC thì có ba điều quan trọng nhất, thứ nhất là học sinh phải yêu thích môn học; thứ hai là các em phải hiểu tại sao mình lại phải học và tập luyện môn học này, tập luyện tốt cho mình có ích lợi như thế nào để đi một chặng đường dài và thứ ba là các em cần làm tốt được kĩ năng, yêu cầu của môn học. Cũng như khẩu hiệu của NIKE đó là thể thao giúp các em học tập, hình thành thói quen được tập luyện hàng ngày qua đó các em có sức khỏe để bước đi những bước đường dài hơn trong cuộc sống. Ông cũng khẳng định sự phù hợp của Chiến lược 6C với mục tiêu, yêu cầu cần đạt chuyển từ kiến thức, kĩ năng sang phẩm chất, năng lực nhằm phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh và người đóng vai trò quan trong trong đổi mới trong chương trình GDPT 2018 chính là các thầy, cô giáo dạy các môn học nói chung và môn Giáo dục thể chất nói riêng đã và đang được triển khai trong giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của môn học Giáo dục thể chất ở cấp tiểu học, môn học này không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng vận động cơ bản trong giờ học mà còn định hướng cho học sinh vận dụng những kiến thức, kỹ năng đó để tự rèn luyện, nâng cao sức khỏe bản thân, đồng thời giúp các em có thói quen thường xuyên vận động, tham gia tập luyện thể thao, tạo cơ sở nền tảng về thể chất, qua đó góp phần phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Đợt tập huấn diễn ra trong 02 ngày, nội dung tập huấn bao gồm các hoạt động trao đổi, chia sẻ, hoạt động nhóm trên lớp học. Các học viên được giới thiệu, hướng dẫn cách thức xây dựng kế hoạch, lựa chọn trò chơi vận động và tổ chức dạy học môn học theo Chiến lược 6C. Bên cạnh các hoạt động tập huấn lí thuyết, các học viên sẽ được thực hành tổ chức các giờ học với đối tượng giáo viên và học sinh tại thực địa với sự hướng dẫn và hỗ trợ của các chuyên gia Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Sau đợt tập huấn này, chiến lược 6C sẽ được phổ biến, lan tỏa và mở rộng đến toàn bộ các nhà trường, đến giáo viên môn GDTC cấp tiểu học ở tất cả các địa phương đã được tập huấn, qua đó giúp giáo viên thay đổi cách tiếp cận dạy học môn học, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn học trong nhà trường.
Một số hình ảnh trong đợt tập huấn
Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia