Ngày 23/4, chủ trì Hội nghị đánh giá công tác thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục (CSGD) mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tại các địa phương giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Những vấn đề được bàn hôm nay đều là thách thức lớn, vượt qua được những thách thức này cần sự ráo riết, quyết tâm, kiên trì, đồng sức, đồng lòng”.
“Làm như vậy có tốt hơn không?” là câu hỏi Bộ trưởng Bộ GDĐT mong muốn mỗi địa phương đều phải đặt ra khi sắp xếp, tổ chức lại các CSGD cũng như trong các vấn đề về giáo dục. Về phía Bộ GDĐT, vấn đề nào thuộc thẩm quyền ngành Giáo dục có thể giải quyết phải lên kế hoạch giải quyết ngay, những việc vượt quá thẩm quyền sẽ có kiến nghị ở tầm vĩ mô hơn.
Theo Bộ trưởng, cần rà soát kỹ hơn việc sắp xếp, tái cấu trúc các CSGD trong thời gian 3 năm qua,làm cơ sở cho các kiến nghị về chính sách cho ngành. Lãnh đạo Bộ GDĐT sẽ làm việc cụ thể hơn với một số địa phương để rà soát, phân tích tình hình, kiến nghị, qua đó cùng tháo gỡ.
Triển khai Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 08 của Chính phủ, sau 3 năm sắp xếp, tổ chức lại các CSGD đã tạo nên một diện mạo mới, tinh gọn và hiệu quả hơn. Cả nước giảm 2.302 trường, tương đương 6,06% tổng số trường. Số điểm trường giảm 2.708 điểm trường, tương đương 6,65% số điểm trường hiện có. Giảm số lượng các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện từ 3 trung tâm/huyện xuống còn 1 trung tâm/huyện. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã cơ bản hợp lý và theo đúng các quy định hiện hành.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, nhiều đề xuất, kiến nghị đã được Bộ GDĐT đưa ra tại Hội nghị. Trong đó, các địa phương phải xây dựng nguyên tắc, phương án thực hiện sắp xếp phù hợp với điều kiện thực tế và tuân thủ các quy định hiện hành. Việc dồn lớp, sáp nhập hoặc xóa các điểm trườngphải đảm bảo khoảng cách, điều kiện giao thông, không để tình trạng gia tăng học sinh bỏ học so với trước khi sắp xếp. Xây dựng phương án, tổ chức bố trí lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, làm tốt công tác tư tưởng.
Các địa phương cần xem xét ban hành Đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các CSGD mầm non, phổ thông và thường xuyên, gắn với mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, không áp dụng rập khuôn, máy móc.