Ngày 30 tháng 10 năm 2024 – Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia (Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia), trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính thức tổ chức Hội thảo khoa học thường niên với chủ đề “Đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Hội thảo đã tạo ra diễn đàn sôi nổi để các nhà khoa học chia sẻ các kết quả nghiên cứu, định hướng phát triển, thúc đẩy hợp tác giữa các nhóm và đơn vị nghiên cứu, đồng thời làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong đổi mới đánh giá. Hội thảo đã thu hút hơn 90 đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến qua kênh Live stream. Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT; Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lí chất lượng, Bộ GD&ĐT; PGS.TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội tâm lí và Giáo dục học Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Hữu Châu – Nguyên Viện trưởng Viện KHGDVN và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị đào tạo như Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia, Đại học Đồng Tháp; các trường phổ thông. Về phía Viện KHGDVN, có GS.TS. Lê Anh Vinh – Viện trưởng, Giám đốc trung tâm PTBVCL GDPT Quốc gia cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện và toàn thể các cán bộ, viên chức đã và đang công tác tại Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia.
Hội thảo được tổ chức thành 4 phiên, tập trung vào các chủ đề gồm: Những vấn đề chung về đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình GDPT 2018; Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học; Đổi mới đánh giá một số môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện Chương trình GDPT 2018; Ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, đánh giá.
Mở đầu Chương trình là Phiên 1 “Những vấn đề chung về đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình GDPT 2018” do TS. Dương Quang Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm PTBVCLGDPT Quốc gia điều hành.
Trong bài trình bày, PGS.TS Lê Thái Hưng đã cho thấy bức tranh về đổi mới đánh giá sau 10 năm thực hiện nghị quyết số 29 NQ/TW của hội nghị thứ 8. Ông đã chỉ ra những điểm tích cực đồng thời một số bất cập trong chính sách kiểm tra đánh giá. Báo cáo cũng đi sâu phân tích thực tiễn kiểm tra đánh giá dưới góc nhìn của giáo viên và cán bộ quản lí từ đó đưa ra những kết luận và đề xuất về chính sách cũng như cách thức triển khai.
TS. Tạ Ngọc Trí cho hay: “Mục tiêu của bài kiểm tra không phải chỉ để kiểm tra kiến thức của học sinh, quan trọng là kiểm tra xem việc dạy việc học có hiệu quả hay không? Nhiều nhà nghiên cứu đã phát triển xu hướng đánh giá mới, với mục tiêu “đánh giá vì sự thành công của người học”. Điều này thể hiện rõ qua sự chuyển dịch từ việc tập trung đánh giá kết quả học tập (Assessment of Learning) sang đánh giá vì hoạt động học tập (Assessment for Learning) và đánh giá như là hoạt động học tập (Assessment as learning).”
GS Lê Anh Vinh cho rằng, cần cẩn trọng bởi nếu không, có thể dẫn đến việc chúng ta “trộn lẫn” nhiệm vụ đánh giá học sinh của cả 3 việc: kiểm tra đánh giá trên lớp; thi tốt nghiệp; thi đại học vào nhau. Sau đó, lấy chuẩn đánh giá vốn của thi đại học áp vào cho bài thi tốt nghiệp hay kiểm tra, đánh giá thường xuyên trên lớp.
Tại mỗi phiên, sau trình bày của các diễn giả là phần thảo luận sôi nổi với các câu hỏi được đặt ra từ các đại biểu tham dự nhằm tìm lời giải đáp từ các nhà khoa học, các nhà quản lý về các vấn đề liên quan.
Phiên 2 của Hội thảo tập trung vào chủ đề “Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học”, gồm có 4 báo cáo chính.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo đã trình bày về bối cảnh tuyển sinh, một số hướng tuyển sinh vào các trường đại học hiện nay và bài thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo ông, mỗi phương thức tuyển sinh đều có ưu điểm riêng, phù hợp với các loại trường khác nhau. Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay sẽ có ba phương thức luôn tồn tại: xét tuyển tốt nghiệp, bài thi đánh giá riêng (ĐG năng lực, ĐG tư duy), và xét tuyển học bạ.
Với những nội dung về thi tốt nghiệp và đổi mới tuyển sinh đại học từ góc nhìn của một số cơ sở đào tạo, Phiên 2 đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu tham dự với nhiều câu hỏi đặt ra cho các diễn giả.
Hội thảo bắt đầu thời gian làm việc buổi chiều với phiên 3 “Đổi mới đánh giá một số môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện Chương trình GDPT 2018”. Phiên làm việc này được mở đầu với báo cáo của PGS.TS Chu Cẩm Thơ: “Sự thích ứng của chuẩn đánh giá: Nghiên cứu trường hợp môn Toán lớp 6”.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ và PGS.TS. Trần Thị Hiền Lương đều đồng ý với nhận định rằng “thói quen và kinh nghiệm lâu năm của giáo viên đôi khi sẽ là rào cản trong đổi mới giáo dục”. PGS.TS Trần Thị Hiền Lương khuyến khích giáo viên nên rèn luyện tư duy mở để cập nhật các xu hướng đánh giá, phát huy khả năng sáng tạo trong dạy học.
Trong bài trình bày, ThS. Bùi Ngọc Diệp đã giới thiệu về chuẩn đánh giá phẩm chất, hướng dẫn sử dụng chuẩn đánh giá phẩm chất HS trong Hoạt động trải nghiệm cấp Tiểu học, thiết kế công cụ để đánh giá phẩm chất học sinh.
Phiên thứ 4 của hội thảo tập trung vào chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, đánh giá,” đã mang đến những góc nhìn hiện đại và sáng tạo về việc tích hợp công nghệ vào quá trình đánh giá học sinh. Các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp thực tiễn trong việc sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả, minh bạch và cá nhân hóa trong đánh giá, đồng thời thảo luận về những thách thức và xu hướng mới trong lĩnh vực này.
ThS. Vương Quốc Anh cho rằng: Tuy AR có tiềm năng tăng cường trải nghiệm học tập và kích thích sự hứng thú của học sinh, nhưng những dữ liệu đánh giá đầy đủ vẫn đang thiếu hụt, cần thời gian và nghiên cứu để xác thực tính hiệu quả dài hạn của công nghệ này trong môi trường thực tế.
Hội thảo đã đưa ra các trao đổi, thảo luận về ứng dụng công nghệ trong công tác đánh giá. Các đại biểu đã cùng nhau phân tích những lợi ích, thách thức và tiềm năng của công nghệ trong việc nâng cao chất lượng đánh giá giáo dục, mở ra nhiều hướng đi mới cho ứng dụng công nghệ trong tương lai. Hội thảo khép lại với những thảo luận sôi nổi, hữu ích đồng thời cũng gợi mở các vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu về công tác đánh giá trong giai đoạn tiếp theo.