Chiều ngày 06/04/2022, tiếp nối chương trình “Đối thoại chính sách về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện”, hội thảo bắt đầu với phiên làm việc về “Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông 2018” với sự điều hành của Bà Bùi Thị Thanh Xuân – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.Thay mặt nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ông có bài trình bày về “Hướng dẫn giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông 2018” giới thiệu bộ tài liệu: (1) Tài liệu hướng dẫn giáo dục giới tính toàn diện cho trẻ mẫu giáo trong Chương trình giáo dục mầm non; (2) Tài liệu hướng dẫn giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong Chương trình giáo dục môn Đạo đức, Tự nhiên xã hội – Khoa học, và Hoạt động trải nghiệm theo Chương trình giáo dục tiểu học 2018; (3) Tài liệu hướng dẫn giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong Chương trình giáo dục môn Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình Trung học cơ sở 2018; (4) Tài liệu hướng dẫn giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong Chương trình giáo dục môn Giáo dục Kinh tế & Pháp luật, Sinh học, và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình Trung học phổ thông 2018.
Bài trình bày tiếp theo của Bà Vũ Thị Hồng Minh làm rõ các nội dung của “Tài liệu hướng dẫn giáo dục giới tính toàn diện cho trẻ mẫu giáo trong thực hiện Chương trình giáo dục mầm non”. Khi xây dựng kế hoạch giáo dục, cần đưa các nội dung giáo dục giới tính toàn diện tích hợp trong hoạt động chơi, hoạt động học, hoạt động theo chế độ sinh hoạt. Giáo viên tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của trường/ lớp, khả năng tiếp cận của trẻ, ảnh hưởng của bối cảnh văn hóa địa phương để có thể giáo dục giới tính một cách phù hợp, linh hoạt các nội dung giáo dục giới tính toàn diện vào trong các hoạt động hàng ngày của trẻ nhằm giúp trẻ có nhận thức về giáo dục giới tính và có các hành vi phù hợp trong cuộc sống, trong các mối quan hệ của trẻ với bạn và mọi người xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà giới thiệu nội dung “Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong môn Đạo đức ở Tiểu học, môn Giáo dục công dân ở Trung học cơ sở, và môn Giáo dục Kinh tế & Pháp luật ở Trung học phổ thông”. Học sinh cần có những kiến thức, kĩ năng và thái độ cần thiết về giới, giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền về sức khỏe sinh sản và tình dục, giúp tạo lập các mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng, không bị bóc lột hay bạo lực; ra các quyết định phù hợp trên cơ sở có đầy đủ thông tin, phòng tránh được các vấn đề sức khỏe sinh sản, tình dục không mong muốn để có cuộc sống an toàn và hạnh phúc.
Bà Bùi Ngọc Diệp giới thiệu nội dung “Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018” với các đề xuất thực hiện hiệu quả, gồm: thiết kế các chủ đề giáo dục độc lập về giới tính, tình dục để tổ chức hoạt động cho học sinh, tích hợp nội dung giáo dục giới tính và tình dục toàn diện vào các chủ đề trong các tài liệu, tập huấn giáo viên, huy động sự tham gia của các lực lượng giáo dục có liên quan trong và ngoài nhà trường (phụ huynh học sinh, các tổ chức đoàn đội hội,…), xây dựng nhóm chuyên gia tư vấn, hỗ trợ giáo viên trong thời gian thực hiện, đánh giá hoạt động,…
Trong phần thảo luận, các khách mời, bao gồm Ông Nguyễn Hải Sơn – Trường tiểu học Nam Lý số 3, Quảng Bình, Ông Nguyễn Văn Đại – Trường Trung học phổ thông Bến Tre, Vĩnh Phúc, và bà Chu Thị Hồng Nhung – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng chia sẻ những bài học thành công của địa phương về lồng ghép giáo dục giới tính trong chương trình giáo dục nhà trường.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể quý đại biểu, thầy cô, phụ huynh và học sinh đã tham dự hội thảo quan trọng và có ý nghĩa này. Ông nhắc đến 3 chữ “H”: Head – cái đầu, Hand – đôi tay, Heart – trái tim, là sự kết nối từ nhận thức, hành động và tình yêu thương sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, lớn lao. Thông điệp của chúng ta là “WE SHARE, WE CARE” – “Cùng chia sẻ, cùng quan tâm”. Website “weshare.vnies.edu.vn” được xây dựng nhằm mục tiêu cung cấp một nền tảng trực tuyến với hệ thống 120 video hoạt hình, sổ tay cung cấp kiến thức cùng hệ thống chatbot sẵn sàng giải đáp thắc mắc để nâng cao nhận thức cho học sinh, các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội về Giáo dục giới tính toàn diện.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam