Sáng ngày 11 tháng 11 năm 2024, Trung tâm Phát triển bền vững Giáo dục phổ thông Quốc gia phối hợp với Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Seminar khoa học với chủ đề “Quy định của Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam và một số thông tin liên quan đến các tạp chí khoa học quốc tế’’.
Seminar được tổ chức nhằm tạo diễn đàn phổ biến, trao đổi thông tin cho toàn thể cán bộ của Trung tâm Phát triển bền vững Chất lượng Giáo dục Phổ thông Quốc gia và những người tham dự về các quy định của Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam; một số thông tin liên quan đến các tạp chí khoa học quốc tế trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực công bố, xuất bản các ấn phẩm khoa học cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Trung tâm.
Tham dự seminar có 60 đại biểu, bao gồm: Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Phát triển bền vững Chất lượng Giáo dục Phổ thông Quốc gia; lãnh đạo và cán bộ Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam; cán bộ của các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Seminar tập trung trao đổi, chia sẻ và thảo luận các nội dung:
(1) Giới thiệu những quy định mới của Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam;
(2) Chia sẻ một số thông tin liên quan đến uy tín và chất lượng tạp chí khoa học quốc tế, nhận diện sơ bộ về các tạp chí khoa học kém chất lượng,…
Phát biểu khai mạc tại buổi seminar, GS.TS Lê Anh Vinh, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Chất lượng Giáo dục Phổ thông Quốc gia nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của buổi sinh hoạt khoa học này. Đây là một cơ hội để cán bộ nghiên cứu của Trung tâm được tiếp cận, hiểu rõ hơn các quy định của Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, nắm bắt và hiểu rõ hơn về những thông tin liên quan đến các tạp chí quốc tế. Qua đó giúp cán bộ nghiên cứu của Trung tâm hiểu và lựa chọn chính xác các tạp chí khoa học có chất lượng để gửi công bố kết quả nghiên cứu của mình.
TS Đinh Đức Tài, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, trực tiếp trao đổi về quy trình quản trị và xuất bản; các yêu cầu đối với bản thảo bài báo; các quy định liên quan quyền và nghĩa vụ của các tác giả; các yêu cầu đối với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo;…
Hiện nay, Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam đã bổ sung đầy đủ các thông tin liên quan trong nội dung Hướng dẫn dành cho các tác giả. Theo đó, có một số điểm mới đáng chú ý: Tạp chí chấp nhận 06 loại hình bài viết: Nghiên cứu gốc (Original research); Tổng quan tài liệu (Review paper); Bài báo thực nghiệm (Experimental article); Bài báo về phương pháp luận (Methodology paper); Bài đánh giá (Review article); Nghiên cứu trường hợp (Case studies). Với mỗi loại hình, Tạp chí có quy định riêng về cấu trúc và cách trình bày nội dung chính của bản thảo bài báo.
Đối với các bản thảo có sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình hình thành và phát triển, Tạp chí yêu cầu các tác giả phải mô tả cụ thể cách thức ứng dụng AI tại mục phương pháp nghiên cứu hoặc vị trí phù hợp trong bài báo. Đồng thời, Tạp chí cũng khuyến nghị tác giả tham chiếu các quy định riêng liên quan việc ứng dụng AI của ngành, lĩnh vực nghiên cứu (nếu có) và các quy định nêu trong Đạo luật Al của EU. Tại bước sơ loại bản thảo, ngoài việc tham khảo kết quả kiểm tra độ trùng lặp, Tạp chí sẽ tham khảo thêm kết quả kiểm tra việc sử dụng AI của các bản thảo trước khi đưa ra các kết luận.
Cũng trong khuôn khổ nội dung buổi Semiar, TS Đinh Đức Tài đã trao đổi và chia sẻ một số nội dung liên quan đến quan điểm đánh giá uy tín học thuật của các tạp chí khoa học quốc tế; nhận diện sơ bộ dấu hiệu một số tạp chí khoa học nước ngoài có nghi ngờ về chất lượng;… Buổi seminar kết thúc tốt đẹp, các nội dung báo cáo nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự, thể hiện thông qua các hoạt động chia sẻ, tích cực trao đổi, thảo luận,…
Một số hình ảnh trong buổi Seminar
Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia