Trong hai ngày 05-06 tháng 05 năm 2022, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội đồng thẩm định bộ sản phẩm Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học hai nước”.
Thành viên Hội đồng thẩm định và các chủ biên sản phẩm Đề án
Tham gia hội đồng thẩm định có PGS.TS Trần Kiều, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Chủ tịch hội đồng; PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện Sử học, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định cùng các Ủy viên Hội đồng gồm đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Ngoại giao; đại diện các Cục/Vụ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các trường sư phạm và cùng đại diện các cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước.
Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định
PGS.TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định điều hành cuộc họp
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, PGS.TS Trần Kiều đã khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai Đề án. Điều này góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, hoàn thành mục tiêu hiểu được các tri thức cốt lõi và phù hợp về lịch sử quan hệ đặc biệt, toàn diện của hai nước tự hào, trân trọng về ý thức và truyền thống đoàn kết, gắn bó sâu sắc của các thế hệ đi trước; có ý thức giữ gìn và phát triển tình đoàn kết, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau; tự tin, bản lĩnh; đồng thời có những việc làm cụ thể, thiết thực, trách nhiệm góp phần xây dựng và phát huy mối quan hệ đặc biệt của hai nước; có hứng thú và năng lực khám phá những sự kiện lịch sử tiêu biểu thể hiện mối quan hệ toàn diện, đặc biệt của hai nước, đồng thời phát triển các năng lực chuyên môn. Thay mặt nhóm tác giả GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam trình bày đề án bao gồm nội dung giới thiệu về Đề án và bộ sản phẩm của Đề án (bao gồm 10 bộ sản phẩm thuộc Đề án đã được xây dựng).
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGDVN trình bày Đề án
Với sự nhất trí cao của các thành viên Hội đồng thẩm định, Hội đồng đã làm việc rất nghiêm túc và có trách nhiệm đối với từng sản phẩm của Đề án. Cụ thể lần lượt các sản phẩm thuộc Đề án đều được các chủ biên trình bày trước Hội đồng thẩm định, tiếp sau đó là các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định được phân công góp ý và nghe kết luận của Chủ tịch hội đồng thẩm định với từng bộ sản phẩm.
Thành viên Hội đồng thẩm định góp ý cho Đề án
Tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng, thay mặt Ban soạn thảo, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGDVN cảm ơn các thành viên Hội đồng thẩm định đã đưa ra những góp ý rất chi tiết và có giá trị, đồng thời khẳng định Viện KHGDVN cùng nhóm chủ biên các sản phẩm Đề án xin được tiếp thu các ý kiến và sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án theo ý kiến của Hội đồng thẩm định qua sớm đưa nội dung các sản phẩm công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam – Lào; Lào – Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học cả hai nước.
Một số hình ảnh tại buổi thẩm định:
Đại diện Bộ Ngoại giao phát biểu tại buổi thẩm định
Trung tâm PTBVCL GDPT Quốc gia