Q. Câu 1: Môn Khoa học có đặc điểm gì?
Môn Khoa học ở lớp 4, 5 với thời lượng 70 tiết cho mỗi lớp, kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội (ở các lớp 1, 2, 3) và được xây dựng trên nền tảng cơ bản, ban đầu của khoa học tự nhiên và các lĩnh vực nghiên cứu về giáo dục sức khoẻ, giáo dục môi trường. Môn học đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh học tập môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở và các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học ở cấp trung học phổ thông.
Môn học chú trọng khơi dậy trí tò mò khoa học, bước đầu tạo cho học sinh cơ hội tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn, học cách giữ gìn sức khoẻ và ứng xử phù hợp với môi trường sống xung quanh.
Q. Câu 2: Mục tiêu chương trình môn Khoa học là gì?
Môn Khoa học góp phần hình thành, phát triển ở học sinh tình yêu con người, thiên nhiên; trí tưởng tượng khoa học, hứng thú tìm hiểu thế giới tự nhiên; ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiện và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống.
Môn học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đặc biệt, môn học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên, giúp các em có những hiểu biết ban đầu về thế giới tự nhiên, bước đầu có kĩ năng tìm hiểu môi trường tự nhiên xung quanh và khả năng vận dụng kiến thức để giải thích các sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên, giải quyết các vấn đề đơn giản trong cuộc sống, ứng xử phù hợp bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người khác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường xung quanh.
Q. Câu 3: Chương trình môn Khoa học được xây dựng dựa trên những quan điểm nào?
Trên cơ sở những định hướng chung của Chương trình tổng thể và đặc trưng của môn học, Chương trình môn Khoa học nhấn mạnh đến các quan điểm:
- Dạy học tích hợp nhằm bước đầu hình thành cho học sinh phương pháp nghiên cứu, tìm hiểu thế giới tự nhiên; nhận thức cơ bản, ban đầu về môi trường tự nhiên, về con người, sức khoẻ và an toàn; khả năng vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn. Môn học cũng chú trọng đến việc tích hợp giáo dục giá trị và kĩ năng sống ở mức độ đơn giản, phù hợp;
- Tổ chức nội dung giáo dục theo các chủ đề: chất; năng lượng; thực vật và độngvật; nấm, vi khuẩn; con người và sức khoẻ; sinh vật và môi trường. Những chủ đề này được phát triển từ lớp 4 đến lớp 5. Tuỳ theo từng chủ đề, nội dung giáo dục giá trị và kĩ năng sống; giáo dục sức khoẻ, công nghệ, giáo dục môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai,... được thể hiện ở mức độ đơn giản và phù hợp;
Tích cực hóa hoạt động của học sinh. Học sinh học khoa học qua tìm hiểu, khám phá, qua quan sát, thí nghiệm, thực hành, làm việc theo nhóm. Từ đó hình thành và phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên.
Q. Câu 4: Chương trình môn Khoa học mới kế thừa chương trình Khoa học hiện hành ở những điểm nào?
Chương trình môn Khoa học mới được xây dựng chú trọng kế thừa quan điểm phát triển chương trình: Tích hợp kiến thức vật lý, hóa học, sinh học, trong đó hướng đến việc cung cấp cho học sinh những hiểu biết về môi trường tự nhiên; về con người, sức khỏe và an toàn; Tổ chức nội dung chương trình thành các chủ đề, trong từng chủ đề, nội dung giáo dục giá trị và kĩ năng sống, giáo dục sức khỏe, công nghệ, giáo dục môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai,… được đưa vào ở mức độ đơn giản và phù hợp; Tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập, quá trình tìm tòi, khám phá, quan sát, thí nghiệm, thực hành, làm việc theo nhóm.
Chương trình môn Khoa học kế thừa những hướng dẫn về dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh và kế thừa thiết bị dạy học hiện có của chương trình.
Q. Câu 5: Chương trình Khoa học mới tiếp thu những gì từ chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến?
Chương trình môn Khoa học đã tiếp thu xu hướng quốc tế về xây dựng chương trình tiếp cận năng lực. Nhìn chung sau năm 2000, ở nhiều nước có sự xem xét, cải tổ chương trình giáo dục theo hướng phát triển năng lực, ví dụ: Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, Pháp, Đức, Bỉ, Phần Lan, Indonesia, Hàn Quốc,…
Chương trình Khoa học mới đã tiếp thu từ chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến ở quan điểm tích hợp và xây dựng nội dung thành các chủ đề. Trong chương trình khoa học của các nước, các nội dung về vật lí, sinh vật, hoá học,… được tích hợp trong các chủ đề như môn Khoa học ở Anh, Hàn quốc, Úc, Singapore,...; môn Tự nhiên ở Hungary; môn Khoa học thực nghiệm và công nghệ ở Pháp; môn Nghiên cứu tự nhiên và môi trường ở Phần Lan;…
Mục tiêu dạy khoa học ở tiểu học của nhiều nước đều nhằm: giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về thế giới xung quanh những sự vật và hiện tượng, những qui luật, ứng dụng của khoa học ở mức độ đơn giản; bước đầu hình thành ở học sinh các kĩ năng quan sát, thí nghiệm, thực hành, năng lực giải quyết vấn đề,…; bước đầu hình thành ở học sinh thái độ hứng thú với khoa học; quan tâm đến thế giới tự nhiên; nhận thức được vai trò của khoa học trong cuộc sống; sẵn sàng sử dụng kiến thức khoa học đóng góp cho địa phương, xã hội;...
Nội dung môn học được xây dựng chú trọng tới tính phù hợp, thiết thực với học sinh; lựa chọn những nội dung kiến thức đơn giản và gần gũi với cuộc sống hàng ngày, kinh nghiệm trực tiếp của trẻ và có thể được vận dụng, kiểm nghiệm qua những hoạt động tìm tòi, khám phá tích cực; tăng cường vận dụng kiến thức khoa học vào các tình huống thực. Chương trình các nước đều đề cập tới các nội dung thuộc các lĩnh vực sinh học; hóa học; vật lí học;…
Trong hướng dẫn chương trình của các nước, phương pháp dạy học khoa học ở tiểu học đều nhấn mạnh tới học qua hoạt động tích cực tìm tòi khám phá, qua quan sát, làm thí nghiệm, tham quan…; tương tác với môi trường tự nhiên; lưu ý sử dụng những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có của học sinh; khuyến khích học sinh đặt câu hỏi; tạo điều kiện cho học sinh được trình bày ý tưởng, giải thích, thảo luận, hợp tác, tham gia vào giải quyết vấn đề,...
Chương trình các nước quan tâm toàn diện đến kiến thức, kĩ năng, thái độ trong đánh giá. Ví dụ: Australia, Singapore,… chú trọng 4 lĩnh vực đánh giá là: kĩ năng tiến trình; kĩ năng thao tác tay chân; thái độ tích cực; hiểu biết các khái niệm khoa học. Đồng thời, chú trọng đến việc sử dụng đa dạng, hợp lí các hình thức đánh giá khác nhau như dùng các bộ test, viết luận, thực hành, sưu tập, quan sát trực tiếp của giáo viên… Việc đánh giá được tiến hành thường xuyên nhằm hỗ trợ và thúc đẩy việc học tập của học sinh.
Q. Câu 6: Chương trình Khoa học góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất, năng lực nào cho học sinh?
Thông qua việc tìm hiểu thế giới tự nhiên, học sinh hình thành được tình cảm yêu quý, trân trọng con người; yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; có ý thức giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường; tự giác thực hiện rèn luyện thân thể, chăm sóc sức khoẻ, giữ an toàn cho bản thân và người khác; có ý thức sử dụng tiết kiệm các đồ dùng, vật dụng và năng lượng trong cuộc sống; ham tìm hiểu, tích cực vận dụng kiến thức, kĩ năng học được vào đời sống hằng ngày; đồng thời hình thành các năng lực tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Đặc biệt, môn Khoa học hình thành và phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên, bao gồm các thành phần:
- Nhận thức khoa học tự nhiên: Trình bày hiểu biết, nhận xét, so sánh, phân loại các sự vật, hiện tượng tự nhiên xung quanh; giải thích một số mối quan hệ đơn giản, thường gặp trong tự nhiên và đời sống; hệ thống hóa kiến thức, kết nối kiến thức mới với hệ thống kiến thức đã có.
- Tìm hiểu môi trường tự nhiên xung quanh: Đề xuất câu hỏi, đưa ra dự đoán về sự vật, hiện tượng, mối liên hệ giữa chúng và phương án kiểm tra dự đoán; Thu thập các thông tin về sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và sức khoẻ bằng nhiều cách khác nhau; sử dụng các thiết bị đơn giản để quan sát, thực hành, làm thí nghiệm tìm hiểu những sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và ghi lại các dữ liệu đơn giản rút ra nhận xét, kết luận về đặc điểm và mối quan hệ giữa sự vật, hiện tượng.
- Vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn: vận dụng các kiến thức, kĩ năng,… đã học để giải quyết các nhiệm vụ học tập trong bối cảnh, tình huống mới, gắn với thực tế cuộc sống, vừa sức với học sinh; tạo cơ hội cho học sinh liên hệ, vận dụng phối hợp kiến thức, kĩ năng từ các lĩnh vực khác nhau trong môn học và các môn học khác có liên quan vào giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống.
Q. Câu 7: So sánh nội dung chương trình Khoa học mới với chương trình Khoa học hiện hành có đặc điểm gì nổi bật?
Chương trình Khoa học mới bao gồm 6 chủ đề là: Chất; năng lượng; thực vật và động vật; nấm, vi khuẩn; con người và sức khỏe; sinh vật và môi trường. Những chủ đề này được phát triển từ lớp 4 đến lớp 5.
So với chương trình hiện hành, chương trình tinh giản một số nội dung chồng chéo với môn học khác hoặc sẽ được học ở ngay các lớp đầu của cấp trung học cơ sở, đồng thời cập nhật hoặc đưa vào một số nội dung mới thiết thực với học sinh. Chẳng hạn: Tinh giản các nội dung về vật liệu (các nội dung này sẽ được học trong môn Tin học và công nghệ ở tiểu học, đồng thời sẽ được học kĩ trong môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6); đưa vào nội dung học về đất; nấm, vi khuẩn.
Hoạt động tìm tòi khám phá kiến thức được làm rõ hơn trong chương trình, thể hiện qua các yêu cầu cần đạt trong mỗi mạch nội dung.
Các kỹ năng tiến trình (như quan sát, dự đoán, giải thích, trình bày,…) được chú trọng hơn. Các yêu cầu vận dụng vào thực tiễn cũng được tăng cường.
Q. Câu 8: Chương trình môn Khoa học yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục như thế nào?
Trong giáo dục khoa học, cần chú trọng tạo cơ hội cho học sinh học qua trải nghiệm; học qua tìm tòi khám phá thế giới tự nhiên, qua quan sát, thí nghiệm, thực hành, qua hợp tác, trao đổi với bạn; học trong lớp học và ngoài lớp học. Trong dạy học, giáo viên cần xuất phát từ kinh nghiệm thực tế hoặc gắn liền với đời sống xung quanh của học sinh; quan tâm đến hứng thú và chú ý tới sự khác biệt về khả năng, sự đa dạng trong phong cách học của học sinh để có phương pháp tác động tốt nhất đến sự phát triển năng lực của mỗi học sinh.
Tuỳ theo mục tiêu của mỗi bài học, mỗi chủ đề của môn Khoa học, tùy theo năng lực cần hình thành và phát triển, giáo viên có thể lựa chọn các kĩ thuật dạy học, phương pháp dạy học và các hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp.
Đặc biệt phương pháp giáo dục trong môn Khoa học cần được quán triệt theo hướng phát triển năng lực khoa học tự nhiên cho học sinh như sau:
Để hình thành và phát triển thành phần năng lực nhận thức khoa học tự nhiên, giáo viên tạo cơ hội cho học sinh huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới; tổ chức các hoạt động trong đó học sinh được trình bày hiểu biết, nhận xét, so sánh, phân loại các sự vật, hiện tượng tự nhiên xung quanh; giải thích một số mối quan hệ đơn giản, thường gặp trong tự nhiên và đời sống; hệ thống hoá kiến thức, kết nối kiến thức mới với hệ thống kiến thức đã có.
Để hình thành và phát triển thành phần năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên xung quanh, giáo viên tạo cơ hội để học sinh được đề xuất câu hỏi, đưa ra dự đoán về sự vật, hiện tượng, mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và đời sống và phương án kiểm tra dự đoán; thu thập các thông tin về sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và đời sống bằng nhiều cách khác nhau; sử dụng các thiết bị đơn giản để quan sát, thực hành, làm thí nghiệm tìm hiểu những sự vật, hiện tượng, mối quan hệ trong tự nhiên và ghi lại các dữ liệu đơn giản rút ra nhận xét, kết luận về đặc điểm và mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng cần tìm hiểu.
Để hình thành và phát triển thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn, giáo viên sử dụng những câu hỏi, bài tập đòi hỏi học sinh phải vận dụng các kiến thức, kĩ năng,... đã học để giải quyết các nhiệm vụ học tập trong bối cảnh, tình huống mới, gắn với thực tế cuộc sống, vừa sức với học sinh; tạo cơ hội cho học sinh liên hệ, vận dụng phối hợp kiến thức, kĩ năng từ các lĩnh vực khác nhau trong môn học và các môn học khác như Toán, Tin học và Công nghệ, … vào giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống ở mức độ phù hợp với khả năng của học sinh.
Q. Câu 9: Giáo viên cần lưu ý gì khi đánh giá kết quả giáo dục trong môn Khoa học?
Việc đánh giá trong dạy học môn Khoa học cần hướng tới mục tiêu môn học và nhằm thúc đẩy, cải thiện việc học tập của học sinh. Đánh giá kết quả học tập môn Khoa học được thực hiện thông qua đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết. Tham gia đánh giá quá trình gồm: đánh giá từ phía giáo viên, đánh giá từ phía học sinh, đánh giá từ phía cha mẹ học sinh và các lực lượng khác tham gia vào quá trình giáo dục.
Đánh giá tổng kết môn Khoa học được thực hiện nhằm xác định mức độ học sinh đạt được các yêu cầu trong chương trình sau một giai đoạn học tập. Kết quả đánh giá tổng kết môn Khoa học được ghi bằng điểm số kết hợp với nhận xét cụ thể của giáo viên về việc học sinh đạt được hay chưa đạt được những yêu cầu đã được nêu trong chương trình môn học.
Để đánh giá được năng lực học sinh, giáo viên cần đánh giá khả năng vận dụng, kiến thức, kĩ năng, thái độ vào những tình huống khác nhau của học sinh trong học tập môn học, sử dụng phương pháp và công cụ đánh giá có ưu thế trong việc đánh giá năng lực học sinh. Để đánh giá thành phần năng lực nhận thức khoa học tự nhiên, có thể sử dụng các câu hỏi yêu cầu học sinh trình bày hiểu biết, so sánh, phân loại, ...; vận dụng kiến thức đã học để giải thích sự vật, hiện tượng. Để đánh giá thành phần năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên xung quanh, có thể sử dụng phương pháp quan sát, đặt câu hỏi đánh giá các khả năng đưa ra dự đoán, lập luận, rút ra kết luận,… Để đánh giá thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, có thể sử dụng một số phương pháp như: sử dụng các câu hỏi đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, đặc biệt các vấn đề thực tiễn; quan sát học sinh trong quá trình giải quyết vấn đề; sử dụng cách đánh giá qua các sản phẩm thực hành của học sinh.
Q. Câu 10: Điều kiện để triển khai dạy học môn Khoa học mới là gì?
Đối với các điều kiện về cơ sở vật chất: Chương trình mới không đòi hỏi những phương tiện dạy học đắt tiền, phòng học bộ môn, hoặc những điều kiện thực hiện phức tạp. Phương tiện dạy học chỉ là các tranh ảnh, sơ đồ, mô hình, dụng cụ thí nghiệm đơn giản. Giáo viên cũng có thể sử dụng các đồ vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội xung quanh,... để dạy học. Những phương tiện dạy học hiện có theo chương trình hiện hành cũng có thể được khai thác sử dụng để đáp ứng nhiều yêu cầu cần đạt trong Chương trình mới. Ngoài ra, khi triển khai Chương trình mới, từng địa phương, nhà trường cần rà soát điều kiện cơ sở vật chất để có kế hoạch bổ sung. Ở các trường tiểu học ở khu vực vùng núi và hải đảo thì Nhà nước sẽ cần có sự hỗ trợ để đảm bảo những điều kiện cơ bản cần thiết cho dạy học theo Chương trình mới.
Q. Câu 11: Cần chuẩn bị những gì cho giáo viên để thông qua môn Khoa học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh?
Để giúp giáo viên có thể hình thành và phát triển năng lực cho học sinh thông qua dạy học môn Khoa học, cần giúp giáo viên hiểu rõ về định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của chương trình Khoa học mới, xác định được những biểu hiện của năng lực đặc thù trong môn học, những yêu cầu cần đạt của môn học qua từng mạch nội dung của từng lớp. Cập nhật một số kiến thức mới trong chương trình. Hiểu và vận dụng được các định hướng cũng như phương pháp, kĩ thuật cụ thể trong dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển năng lực cho học sinh.
Để thực hiện những nội dung trên, cần có tài liệu hướng dẫn cụ thể cho giáo viên và tập huấn một cách bài bản, kĩ lưỡng cho giáo viên về Chương trình môn Khoa học theo hướng tiếp cận phát triển năng lực, đặc biệt là đổi mới phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá giáo dục trong dạy học môn học, chú trọng cho giáo viên được thực hành và chú trọng tới bồi dưỡng, phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên (trên cơ sở nhà trường).
Trong đào tạo giáo viên, cần xây dựng mới tài liệu về Phương pháp dạy học môn học để đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường Cao đẳng/Đại học.
Q. Câu 12: Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai Chương trình môn Khoa học?
Hệ thống kiến thức cơ bản của môn Khoa học mới chủ yếu được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc môn Khoa học hiện hành; thêm vào đó, đa số các giáo viên dạy môn Khoa học ở tiểu học đã được tiếp cận và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học môn học ở trên lớp. Đó là thuận lợi cơ bản để hầu hết giáo viên trong cả nước có thể dạy được môn học. Mặt khác, chương trình môn Khoa học là chương trình mở, cho phép giáo viên được lựa chọn đối tượng học tập sẵn có ở địa phương để dạy học nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chương trình. Ngoài ra, Chương trình còn cho phép giáo viên có thể thay đổi thứ tự các chủ đề học tập, đặt ra các tiêu đề bài học trong mỗi chủ đề, xác định thời gian và điều chỉnh thời lượng học tập cho mỗi chủ đề cho phù hợp với thực tế địa phương, điều kiện cơ sở vật chất thiết bị của nhà trường. Chương trình cũng khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học bằng những vật liệu sẵn có ở địa phương và sử dụng công nghệ thông tin cũng như những phương tiện dạy học hiện đại khác.
Tuy nhiên, chương trình môn Khoa học mới được xây dựng trên cơ sở tiếp cận hình thành năng lực cho học sinh, bên cạnh đó còn có một số nội dung kiến thức mới được đưa vào chương trình, vì vậy, giáo viên có thể sẽ gặp một số khó khăn ban đầu. Những khó khăn này có thể được khắc phục thông qua các tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng giáo viên và các hoạt động tập huấn thường xuyên, định kỳ.